Hà Nội

Pháp: Cơn sóng biểu tình áo vàng lại dâng lên

07-01-2019 06:25 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những người biểu tình áo vàng ở Pháp mới đây tiến hành cuộc tấn công vào trụ sở phát ngôn viên Chính phủ Pháp – một nơi được coi là biểu tượng của nền Cộng hòa. Các cuộc biểu tình lan rộng khắp cả nước với hàng chục nghìn người tham gia.

Các cuộc biểu tình đã biến thành  bạo loạn ở nhiều địa điểm tại thủ đô Paris. Những người biểu tình  đã đốt xe máy, dựng rào chắn trên Đại lộ Saint Germain. Họ xuống đường với các khẩu hiệu phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao và sự phớt lờ của những người lãnh đạo đất nước, thậm chí yêu cầu Tổng thống từ chức vì ông không quan tâm đến tình trạng đời sống tăng cao  nhất là với những người sống ở nông thôn  và thị trấn nhỏ.

Các cuộc tuần hành ban đầu đều rất  hòa bình nhưng đến  buổi chiều tại thủ đô  Paris  những người biểu tình cực đoan đã  đốt phá nhiều địa điểm, tấn công cảnh sát chống bạo động chặn các cây cầu trên sông Seine.

Chính phủ của Thủ tướng Pháp E.Macron đã bị chấn động bởi tình trạng bạo loạn ở thủ đô ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí, hôm 5/1, một nhóm người biểu tình áo vàng  phá cửa xông vào văn phòng của phát ngôn viên chính phủ Pháp, ông Benjamin Griveaux.  Lần đầu tiên, phe áo vàng  tấn công vào trụ sở của cơ quan chính phủ, biểu tượng của nền Cộng hòa Pháp.

Theo Reuters, phát ngôn viên  Benjamin Griveaux đã trốn thoát khỏi văn phòng của mình bằng cửa sau sau khi một số ít người biểu tình đột nhập vào khu  văn phòng và đập phá cơ sở vật chất ở đây.

Bộ trưởng Nội vụ Barshe Castener cho biết, khoảng 50.000 người đã tiến hành các cuộc  biểu tình lớn nhỏ tại các thành phố trên toàn quốc, bao gồm cả Bordeaux, Toulouse, Rouen và Marseille.

Để chặn dòng người biểu tình, cảnh sát phải sử dụng hơi cay.  Các cuộc biểu tình áo vàng phản đối Chính phủ  những tưởng đã tạm lắng trong những ngày nghỉ lễ, nhưng những người đứng đầu lại muốn tiếp thêm động lực để vực dậy phong trào biểu tình trên các đường phố ở Pháp. Họ trở lại với các hoạt động như  chặn đường, chiếm các trạm thu phí trên đường cao tốc và tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố.

Một người biểu tình tên là  Francois Cordier  nói, chúng tôi xuống đường vì bị ép nhận lương thấp, chúng tôi muốn sống bằng tiền lương của mình,  những nhà lãnh đạo không có quyền để chúng tôi rơi vào tình trạng tồi tệ như thế này.

Đáp lại Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, những người bảo vệ nước Pháp, người đại diện cho nước Pháp và biểu tượng của nước Pháp đang bị tấn công. Đây là hành vi thô bạo nhằm vào nền cộng hòa.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Eduoard Philippe đã thừa nhận rằng Chính phủ Pháp đã mắc rất nhiều sai lầm, không lắng nghe người dân. Ông nói: “Chúng tôi đã phạm nhiều sai lầm. Chúng tôi đã không lắng nghe đầy đủ những mong muốn của người dân. Tôi thực sự tin rằng họ muốn đất nước này phải thay đổi”.

Các cuộc biểu tình Áo vàng bắt đầu nổ ra từ tháng 11/2018 ở các vùng nông thôn nước Pháp, với mục đích ban đầu nhằm phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, làn sóng này đã lan rộng đến thủ đô Paris và nhiều thành phố khác ở Pháp để phản đối chính sách kinh tế của Chính phủ mà người biểu tình coi là "mang lại lợi ích cho người giàu". Nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình quá khích đã xảy ra.

So với các cuộc biểu tình hồi tháng 11 khi các cửa hàng bị cướp phá, các ngân hàng bị  phá  hoại và Khải Hoàn Môn bị phá hủy, thì cuộc biểu tình lần này  những người biểu tình nhắm vào cơ quan Chính phủ hoặc lực lượng cảnh sát.

Đại sứ Thụy Điển tại Pháp đã đăng những hình ảnh về hậu quả các cuộc biểu tình ở Pháp  và lời kêu gọi được giúp đỡ  dập tắt một đám cháy nhỏ bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển trong các cuộc biểu tình.

Biểu tình đã biến thành bạo loạn

Trong nỗ lực làm giảm căng thẳng, chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực của phe áo vàng, Tổng thống Pháp đã đưa ra nhiều biện pháp có tính nhượng bộ như hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, tăng lương tối thiểu, không đánh thuế tiền làm thêm giờ và các khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động... Ngay tháng trước, Tổng thống Macron đã hứa giảm thuế cho người nghỉ hưu, tăng lương cho những người lao động nghèo nhất và loại bỏ việc tăng thuế nhiên liệu theo kế hoạch, với chi phí ngân sách lên tới 10 tỷ euro.  Sau những động thái này, số lượng người biểu tình đã giảm đáng kể.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho rằng mặc dù làn sóng biểu tình áo vàng có xu hướng hạ nhiệt, nhưng vẫn còn một số thành phần bất mãn tiếp tục kích động biểu tình. Theo giới quan sát, bản thân những người biểu tình áo vàng  hiện cũng chia rẽ, giữa một bên là những người sẵn sàng đối thoại với chính phủ và một bên là các thành phần quá khích.

Trong bài phát biểu đêm giao thừa 2019, ông Macron tuyên bố sẽ tiếp tục với chương trình cải cách của mình, ông cho biết: “Chúng ta không thể làm việc ít hơn, kiếm nhiều tiền hơn, cắt giảm thuế và tăng chi tiêu.”

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn