Pháp cam kết hơn 1 tỷ euro phòng chống AIDS, lao và sốt rét

11-07-2014 05:55 | Quốc tế
google news

SKĐS - Pháp cam kết tài trợ hơn 1 tỷ euro cho hoạt động của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét.

Tổng thống nước Cộng hòa Pháp đã khẳng định duy trì đóng góp của Pháp vào Quỹ Toàn cầu với mức đóng góp cao nhất (1,080 tỷ euro) cho 3 năm tới. Nguồn tài chính của Quỹ Toàn cầu mà Việt Nam được thụ hưởng trong vòng 3 năm tới lên đến 158 triệu đô la.

Chalize Theron, nữ diễn viên nổi tiếng người Anh là một thành viên tích cực của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét.

Chalize Theron, nữ diễn viên nổi tiếng người Anh là một thành viên tích cực của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét.

Quỹ Toàn cầu là một tổ chức tài chính quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chống AIDS, lao và sốt rét trên cơ sở quan hệ đối tác để phòng chống và triển khai các biện pháp chữa trị hiệu quả. Là nước đưa ra sáng kiến và sáng lập Quỹ Toàn cầu vào năm 2002, hiện Pháp nằm trong Ban Điều phối Viện trợ của Quỹ Toàn cầu của Việt Nam. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có buổi chuyện trò với Tùy viên Y tế Pháp, bác sĩ Alain Dorie xung quanh nỗ lực chống lại 3 căn bệnh lớn trên thế giới cũng như vài điểm nhấn của hợp tác y tế Pháp – Việt.

PV: Ông có thể cho biết trong bối cảnh các nhà tài trợ quốc tế đang giảm dần viện trợ cho Việt Nam, thì hoạt động này của Pháp có ý nghĩa như thế nào?

BS. Alaine Dorie: Bước đi này nằm trong khuôn khổ cam kết quốc tế của Pháp, một trong những tác nhân chủ chốt của đoàn kết quốc tế trong lĩnh vực y tế. Ngay từ tháng 6/2013, Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande đã tuyên bố tiếp tục các khoản tài trợ của Pháp cho Quỹ Toàn cầu trong vòng 3 năm tới. Cam kết tài chính này lên đến hơn 1 tỷ euro. Như vậy, Pháp là nhà tài trợ đứng thứ hai của Quỹ Toàn cầu. Vì vậy sự hiện diện của Pháp tại các ban điều phối quốc gia của các nước nhận viện trợ từ Quỹ toàn cầu là hợp lý và hiện chúng tôi rất hài lòng được cộng tác với các đối tác tại cơ quan điều phối này.

Bác sĩ Alain Dorie, Tùy viên Y tế Pháp

Bác sĩ Alain Dorie, Tùy viên Y tế Pháp

Trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ được hưởng một khoản viện trợ là 158 triệu USD từ Quỹ toàn cầu cho 4 chương trình lớn. Trong đó 48% cho chương trình HIV/AIDS, 22% cho phòng chống lao, 15% cho chương trình phòng chống sốt rét và 20% cho tăng cường hệ thống y tế.

Trong khi một số người nghĩ rằng các khoản tài trợ quốc tế đang giảm dần thì khoản tiền 158 triệu USD dành cho Việt Nam đã tăng hơn 30 triệu USD so với số tiền được giải ngân trong giai đoạn 2011 – 2013.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chúc mừng những tiến bộ rất tích cực của Việt Nam trong việc đáp ứng những yêu cầu của Quỹ toàn cầu: Từ nay 40% các thành viên của cơ quan điều phối quốc gia là đại diện của các tổ chức xã hội dân sự. Viện trợ của Quỹ Toàn cầu chủ yếu tập trung vào thuốc điều trị 3 căn bệnh trên, nhằm đảm bảo người bệnh tiếp cận với các biện pháp chữa trị và thuốc điều trị. 

PV: Với việc một người Pháp từng đoạt giải Nobel trong việc tìm ra con virus gây ra căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, hơn thế nữa, người Pháp này, GS. Francois Barré Sinoussi còn là người bạn lâu năm thân thiết của Việt Nam, thì hợp tác trong việc chống lại căn bệnh thế kỷ này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

BS. Alaine Dorie: GS. François Barré Sinoussi là người có những hoạt động hợp tác lâu dài và rất đáng chú ý với Việt Nam từ hơn 20 năm nay. Ca nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam đã được phát hiện năm 1990 tại Viện Pasteur tp. HCM và được khẳng định bởi êkíp của GS. Barré Sinoussi tại Viện Pasteur Paris. Sau đó một văn phòng của Cơ quan Nghiên cứu và Phòng chống AIDS và Viêm gan của Pháp (ANRS) đã được thành lập ở Việt Nam vào năm 2000 và được chính thức hóa bởi việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và ANRS nhằm củng cố các hợp tác nghiên cứu khoa học được thực hiện từ nhiều năm trước đó giữa hai nước. Việc này đã cho phép phát triển các chương trình nghiên cứu vể dịch tễ, về khoa học cơ bản, về nghiên cứu lâm sàng và về khoa học xã hội.

GS. Francois Barre Sinoussi, người đoạt giải Nobel Y học năm 2008 nhờ phát hiện ra virus HIV

GS. Francois Barre Sinoussi, người đoạt giải Nobel Y học năm 2008 nhờ phát hiện ra virus HIV

Hai điều phối viên (Bắc và Nam) cùng được ANRS và Bộ Y tế Việt Nam bổ nhiệm nhằm đảm đương việc điều phối khoa học và chiến lược của ANRS tại Việt Nam, đó là GS. François Barré Sinoussi (Viện Pasteur Paris) và GS. Trương Thị Xuân Liên (Viện Pasteur tp.HCM). Từ năm 2002, một chuyên gia kỹ thuật quốc tế ANRS được cử đến Việt Nam theo dõi hơn 10 chương trình nghiên cứu tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến HIV và đồng nhiễm lao và viêm gan, chăm sóc những người sử dụng ma túy và các phương tiện chữa trị thích hợp  để có thể thực hiện cai nghiện một cách hiệu quả.

Gs. François Barré Sinoussi thường xuyên đến Việt Nam và bà luôn được đón tiếp nồng nhiệt bởi các lãnh đạo của Bộ Y tế Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chụp hình lưu niệm cùng đoàn đại biểu Viện Pasteur Paris

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chụp hình lưu niệm cùng đoàn đại biểu Viện Pasteur Paris

Trong năm nay, Đại sứ về phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm của Pháp, ông Philippe Meunier đã đến Việt Nam hai lần. Trong khuôn khổ hoạt động Quỹ Toàn cầu, mục tiêu điều trị kháng virus cho 105.000 bệnh nhân và điều trị thay thế bằng méthadone cho 80.000 người sử dụng ma túy ở Việt Nam có thể đạt được với điều kiện tất cả các đối tác cùng cam kết thực hiện nghiêm túc và biết lắng nghe những người là nạn nhân của các tệ nạn này.

PV: Ông hãy cho biết ở Pháp, điều trị HIV/AIDS được tiến hành như thế nào?

Bệnh nhân được sử dụng thuốc ARV miễn phí thông qua bảo hiểm y tế. Việc dùng thuốc ARV giúp kéo dài sự sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ngoài ra, ở Pháp còn tuyên truyền và cấp phát kim tiêm sử dụng một lần cho những người nghiện ma túy. Nhờ đó, giảm tỷ lệ nhiễm HIV và tuổi thọ của người nhiễm HIV/AIDS tăng lên đáng kể. Mục tiêu của Quỹ Toàn cầu cũng nhằm tăng cường số bệnh nhân được tiếp cận với ARV để cải thiện chất lượng sống cho họ.

PV: Ngoài hoạt động Quỹ Toàn cầu, thì điểm nhấn trong hợp tác y tế Pháp- Việt là gì?

BS. Alaine Dorie:  Từ 10 năm nay, cam kết của Pháp được ghi nhận bởi những đóng góp của Pháp cho các quỹ quốc tế lớn, được gọi là quỹ đa phương. Nhưng điều đó cũng không thể làm cho chúng ta quên những thành tựu đáng ghi nhận của chương trình hợp tác song phương giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt trong việc đào tạo các bác sĩ chuyên khoa. Từ năm 1993, thời điểm hiệp định hợp tác liên chính phủ trong lĩnh vực y tế được ký kết,  hơn 2000 bác sĩ Việt Nam đã được đào tạo ít nhất một năm tại các bệnh viện của Pháp. Tự con số đã nói lên tất cả và cũng cho thấy rõ mối quan hệ tuyệt vời của chúng ta. Rất nhiều các bác sĩ giỏi của Việt Nam hiện nay đã được hưởng các chương trình đào tạo này tại Pháp và chúng tôi rất vui mừng về điều này. Đây là bằng chứng của một sự hợp tác thành công trong dài hạn dựa trên sự chuyển giao chuyên môn và chất lượng của đào tạo.

Một chương trình đào tạo khác cũng rất quan trọng được thực hiện tại Việt Nam thông qua các chương trình cấp bằng liên đại học (DIU) trong khuôn khổ của các thỏa thuận hợp tác giữa các trường y của Pháp và Việt Nam. Năm nay, 14 chương trình giảng dạy với các chuyên ngành y học rất đa dạng được thực hiện tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hải Phòng. Các chương trình đào tạo này được các giảng viên Pháp và Việt Nam đồng tổ chức và cùng xác đinh các mục tiêu sư phạm chung cho việc đào tạo. Năm nay sẽ có hơn 50 giảng viên Pháp đến Việt Nam giảng dạy với hơn 1000 giờ giảng cho khoảng 1500 bác sĩ và học viên sau đại học của Việt Nam. Các chương trình này do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ và ở đây các con số cũng nói lên tất cả và minh chứng cho sự hợp tác tin cậy giữa hai trường phái y và dược học của chúng ta.

PV: Xin cảm ơn ông

Video Quỹ Toàn cầu: Hãy là thế hệ đánh bại AIDS, lao và sốt rét cùng diễn viên nổi tiếng Charlize Theron & ca sĩ Bono.

 

Hãy là thế hệ đánh bại AIDS, lao và sốt rét ​

3 mục tiêu – 1 nỗ lực toàn cầu – Khoảnh khắc cấp thiết

Charlize Theron, diễn viên, người sáng lập dự án Africa Outreach (Vươn tới châu Phi) cho biết: “Bây giờ là thời khác quan trọng, bạn cần phải quyết định để ngăn chặn các nạn dịch trên”.

Năm 2013, các nhà lãnh đạo toàn cầu quyết định đóng góp tài chính để hỗ trợ cuộc chiến chống lại AIDS, lao và sốt rét thông qua Quỹ Toàn cầu (Global Fund).

Tỷ lệ tử vong liên quan đến AIDS đã giảm đáng kể, từ 3 triệu người vào năm 2001 xuống còn 1,7 triệu người vào năm 2011, sau 10 năm.

TS. Ngozi Okonjo Iweala, Bộ trưởng Tài chính Nigeria, thành viên tổ chức Những người bạn của Quỹ Toàn cầu châu Phi hồi tưởng lại: “Khi tôi mới 5 tuổi, sống ở làng cùng bà, dịch sốt rét hoành hành, đó là dịch mà không một đứa trẻ nào nên trải qua, vì vậy mà hoạt động của Quỹ Toàn cầu rất quan trọng. Cần phải tìm ra cách ngăn chặn dịch sốt rét.” Tiếp cận với thuốc chống sốt rét đã tăng lên, từ 11 triệu người được điều trị năm 2005, lên 278 triệu lượt người được điều trị vào năm 2011.

Theo TS. Mark Dybul, Giám đốc điều hành, Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao, và sốt rét, cần thúc đẩy tiến bộ khoa học nhằm mục đích chữa bệnh. Thành công điều trị lao đã tăng lên từ 69% vào năm 2000, lên 85% vào năm 2011.

Bono, ca sĩ của ban nhạc U2, đồng sáng lập One and (RED) cho biết, trước đây phải tiêu tốn tới 10.000 USD để giúp 1 bệnh nhân AIDS sống sót trong 1 năm, giờ chỉ cần 150USD/năm. Đó là nhờ công lao của các nhà khoa học.

Theo tỷ phú Bill Gates, đồng chủ tịch Quỹ Bill&Melinda Gates, cần phải tìm ra vắc xin để chống lại các căn bệnh trên.

Tất cả những nỗ lực trên nhằm thay đổi tiến trình lịch sử. Hãy trở thành thế hệ để đánh bại AIDS, lao và sốt rét.

Bích Vân

 


Ý kiến của bạn