Phanh phui vụ lừa đảo tiền bảo hiểm xuyên quốc gia

01-03-2012 14:49 | Pháp luật
google news

Rất tinh vi, dày công phu; kẻ lừa đảo ngụy tạo hẳn một vụ tai nạn, rồi cất công tìm lấy từng chữ ký của quan chức địa phương.

Rất tinh vi, dày công phu; kẻ lừa đảo ngụy tạo hẳn một vụ tai nạn, rồi cất công tìm lấy từng chữ ký của quan chức địa phương.

Kế đó, giả mạo ra cả hồ sơ bệnh án, giấy ra viện, giấy khám bệnh…với hàng loạt xác nhận thương tích, chữ ký của các bác sĩ điều trị, mà sau này người ta phát hiện là hoàn toàn…giả. Mục đích cuối cùng là nhằm hợp thức hóa, buộc Cty bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm tai nạn.

Những vụ đòi bảo hiểm bất thường

Khoảng tháng 5.2011, Cty Bảo Việt tỉnh Bình Phước (viết tắt BVBP, thuộc Tập đoàn Bảo Việt VN) có nhận được giấy yêu cầu của một khách hàng tên Trịnh Văn Tuấn (sinh 1954, thường trú ấp Cây Cam, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đòi được nhận tiền bảo hiểm tai nạn. Theo ông Tuấn, trong một lần đi bộ ở xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ông Tuấn bị "trượt chân ngã ngoài ý muốn"; hậu quả là bị "chấn động sọ não, gãy xương tay trái...".

Ông Tuấn trưng ra đủ các giấy tờ: Biên bản tai nạn có chữ ký xác nhận của chính quyền xã Đạo Đức, hồ sơ bệnh án điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, giấy chụp X-quang ở Bệnh viện huyện Vị Xuyên, giấy ra viện, toa thuốc...

Cũng trong thời điểm đó, BVBP cũng nhận được yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm tai nạn (khoảng 10 triệu đồng/vụ) của 3 người khác là Trần Ngọc Cư, Vũ Xuân Tịnh và Trịnh Quốc Ước, với các tai nạn na ná như tai nạn ông Tuấn và nơi xảy ra tai nạn đều ở các tỉnh phía bắc. Thí dụ: Ông Trần Ngọc Cư nói bị tai nạn "ngoài ý muốn", "chấn thương sọ não rất trầm trọng" ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Ông Cư cho biết đã gửi hồ sơ tới BV Hải Dương, nay đề nghị BVBP xác nhận thì BV Hải Dương mới có cơ sở bồi thường cho ông Cư. Thấy có dấu hiệu bất thường xung quanh các vụ đòi bồi thường bảo hiểm, ông Trần Văn Sung - GĐ BVBP đã chỉ đạo xác minh và phát hiện có hành vi lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm, trên phạm vi từ Bắc vô Nam.

Ngụy tạo tai nạn, giả mạo hồ sơ

Qua xác minh, BVBP mới phát hiện hoàn toàn không có người nào là Trịnh Văn Tuấn, Trần Ngọc Cư, Vũ Xuân Tịnh và Trịnh Quốc Ước. Được biết kẻ xưng Trịnh Văn Tuấn có tên thật là Cung Văn Chỉnh, từng lừa đảo lấy tiền bảo hiểm trước đây của BVBP và BV Hà Giang. Tháng 3.2011, Chỉnh xưng là Tuấn đến đại lý mua bảo hiểm tai nạn cùng lúc cho 4 người: Tuấn, Cư, Tịnh và Ước. Tuấn khai 4 người thường trú ấp Cây Cam, xã An Bình, huyện Phú Giáo.

Tuy nhiên, khi xác minh, chính quyền địa phương cho biết không có bất kỳ ai mang 4 cái tên trên thường trú ở xã An Bình. Ngược ra Hà Giang xác minh vụ tai nạn Trịnh Văn Tuấn, BVBP... té ngửa: Ông Đoàn Công Oánh - công an viên xã Đạo Đức ký tên trên biên bản tai nạn của Tuấn thừa nhận rằng chính ông Tuấn (tức Cung Văn Chỉnh) mang biên bản ghi sẵn tới nhờ ông Oánh ký. Tương tự ông Oánh, trưởng thôn Đỗ Duy Trường và Phó Chủ tịch xã Đạo Đức cũng ký vào biên bản lập sẵn, sau khi nghe Tuấn năn nỉ, kể lể vụ tai nạn "chấn thương sọ não, gãy cẳng tay", mà không một ai chứng kiến.

Không chỉ ngụy tạo tai nạn để đòi tiền bảo hiểm, Trịnh Văn Tuấn còn nộp hồ sơ lên Phòng LĐTBXH huyện Vị Xuyên và Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang xin được hưởng trợ cấp xã hội đột xuất. Qua xác minh của Phòng LĐTBXH huyện Vị Xuyên, sự gian dối trên mới được phanh phui, ngăn chặn kịp thời.

Trong lúc đó, thông qua xác minh của BV Hà Giang, nơi đây cho hay: Hồ sơ phiếu chụp X-quang của ông Tuấn, có chữ ký bác sĩ Trần Văn Nộ là giả mạo; các nội dung trong phiếu chụp không đúng thực tế. Bệnh viện Vị Xuyên không đủ phương tiện kỹ thuật, để có thể kiểm tra và kết luận "gia tăng mạch máu não". Chưa hết, kiểm tra bệnh án của ông Tuấn tại BVĐK Hà Giang, nơi đây khẳng định "không có người nào có tên, năm sinh như vậy nhập viện, cũng không có ai đến nhập viện khám bệnh là Trịnh Văn Tuấn".

Riêng bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch xã Đạo Đức, sau này trong biên bản làm việc với các cơ quan chức năng đã đau xót cho biết: "Trịnh Văn Tuấn mặc áo xanh kiểu bệnh nhân, tay trái bị bó bột đến nhà tôi xin xác nhận biên bản tai nạn. Tôi thấy trên biên bản có chữ ký xác nhận của trưởng thôn, công an viên, nên tôi tin tưởng xác nhận, đóng dấu. Sau này tôi mới biết ông Tuấn giả mạo tai nạn. Rõ ràng, khai báo của Trịnh Văn Tuấn là lừa đảo".

Trường hợp ông Trần Ngọc Cư, qua xác minh cũng phát hiện nhiều hành vi bất thường. Trong khi ông Cư liên tục gửi đơn tố cáo BVBP sai phạm, không xác nhận bồi thường để BV Hải Dương trả tiền cho ông. Tuy nhiên, trả lời BVBP, BV Hải Dương khẳng định không hề có ai tên Trần Ngọc Cư gửi hồ sơ đòi bồi thường tiền bảo hiểm.

Lúc mua phí bảo hiểm, Cư thường trú ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; song việc khai báo này là khai khống hoàn toàn. Nhưng đơn đòi BVBP bồi thường tai nạn, ông Cư lại nhận là công dân thôn Miễu Lãng, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (?). Sau này, khi xác minh, cơ quan chức năng phát hiện tất cả 4 cái tên, 4 vụ tai nạn đòi bồi thường đều do một Cung Văn Chỉnh ngụy tạo, giả mạo, nhằm qua mặt cơ quan bảo hiểm trục lợi tiền bảo hiểm tai nạn.

Nhận xét vụ việc trên, ông Trần Văn Sung - GĐ BVBP nói: "Đây là vụ lừa đảo nhằm lấy tiền bảo hiểm rất mới, xảy ra trên phạm vi nhiều địa phương. Hành vi của kẻ lừa đảo hết sức tinh vi, dày công ngụy tạo tai nạn, giả mạo hồ sơ, mà một khi chúng ta sơ suất không kiểm tra, xác minh kỹ càng thì chắc chắn sẽ "sa bẫy" của những kẻ lừa đảo này. Rất may mắn, chúng tôi đã cảnh giác, phối hợp với các cơ quan chức năng ở các địa phương phanh phui làm rõ hành vi sai phạm trên, tránh thiệt hại. BVBP đã có văn bản báo cáo, kiến nghị cơ quan điều tra tỉnh BP vào cuộc".
 
Theo Cao Hùng ( Lao Động )

Ý kiến của bạn