Phanh phui một cuộc thử nghiệm y học vô đạo đức

18-10-2010 15:16 | Quốc tế
google news

Vì muốn kiểm nghiệm công dụng của thuốc kháng sinh penicillin trên các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các nhà khoa học của chính phủ Mỹ đã cố ý làm cho các tù nhân và bệnh nhân bị thần kinh người Guatemala bị lây nhiễm bệnh giang mai rồi sau đó họ được điều trị bằng thuốc kháng sinh penicillin.

Dư luận thế giới những ngày gần đây đang sục sôi phẫn nộ và gay gắt lên án vụ thử nghiệm dược phẩm phi nhân tính mà các bác sĩ người Mỹ đã tiến hành ở Guatemala hơn 60 năm trước. Vụ việc tưởng chừng đã được giấu kín nhưng lại bị chính các sử gia người Mỹ phanh phui. Mặc dù Tổng thống Barack Obama và ngoại trưởng Hillary Clinton hôm 2/10 vừa qua đã lên tiếng xin lỗi thế giới và người dân Guatemala nhưng không vì thế mà làn sóng phẫn nộ của dư luận đối với những người đã mang đồng loại ra làm chuột bạch bất chấp mọi nguyên tắc của y đức và pháp luật giảm đi.

Lật lại vụ hơn 60 năm trước

Vụ việc bắt đầu diễn ra hồi thập niên 40 thế kỉ trước. Vì muốn kiểm nghiệm công dụng của thuốc kháng sinh penicillin trên các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các nhà khoa học của chính phủ Mỹ đã cố ý làm cho các tù nhân và bệnh nhân bị thần kinh người Guatemala bị lây nhiễm bệnh giang mai rồi sau đó họ được điều trị bằng thuốc kháng sinh penicillin. Hành động truyền bệnh này do Cơ quan Sức khỏe công cộng Mỹ, Viện Sức khỏe quốc gia và Tổ chức Y tế liên châu Mỹ thực hiện với sự hợp tác của chính phủ Guatemala lúc đó. Phía Mỹ đã trả tiền cho những cô gái điếm nhiễm giang mai để họ ngủ với các đối tượng nêu trên nhằm lây bệnh cho họ. Những người bị lấy làm đối tượng thí nghiệm không hề hay biết mình đã mắc bệnh khi được tạo điều kiện cho quan hệ tình dục càng rộng càng tốt, sau đó được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Kết quả là trong vòng 40 năm (từ 1932 đến 1972), dưới danh nghĩa "cuộc nghiên cứu y học", các bác sĩ Mỹ đã truyền bệnh lậu, giang mai và hạ cam cho hơn 1.600 người Guatemala, trong đó phần nhiều là các binh sĩ, tù binh thậm chí có cả các bệnh nhân tâm thần. Ngoài những người đã được chữa khỏi bằng các liều kháng sinh penicillin, cũng có ít nhất khoảng 200 người bị thiệt mạng vì không được chữa trị gì.

Tổng thống Guatemala Alvaro Colom.

Vụ việc được giáo sư người Mỹ Susan Reverby tại Đại học Wellesley (bang Massachusetts) phát hiện vào cuối năm 2009. Sau khi thông báo với chính phủ Mỹ, giáo sư Reverby đã công bố chi tiết về vụ thử nghiệm với những con số kinh hoàng trên Tạp chí Nghiên cứu chính sách nước Mỹ. Đầu tháng 10 vừa qua, phía Mỹ đã chính thức lên tiếng thừa nhận vụ việc là có thật đúng như điều tra của bà  Susan Reverby.

Một hành động phi đạo đức mượn danh nghĩa khoa học

Hơn 60 năm trước là thời điểm penicillin mới được bào chế thành công. Người ta chưa biết hết tất cả tác dụng của nó đối với các loại bệnh tật. Có thể nói, trên cơ sở những thí nghiệm như thế này, công dụng của penicillin đã được phát huy để cứu chữa cho rất nhiều người trong 20-30 năm trở lại đây. Đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng nghiên cứu này vô cùng mạo hiểm và trái đạo lí. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin và thiện chí của những tình nguyện viên tham gia các nghiên cứu y tế.

Giáo sư Susan Reverby, người phanh phui vụ việc trên.

Điều này cũng được Washington thừa nhận trong lời xin lỗi đăng trên các báo Mỹ mới đây. Tuyên bố chung của ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề sức khỏe và dịch vụ dân sinh, Kathleen Sebelius có đoạn: "Phương thức thực hiện nghiên cứu về bệnh lây qua đường tình dục được tiến hành từ năm 1946 đến 1948 tại Guatemala rõ ràng là trái đạo lí. Dù cho những sự kiện này đã xảy ra cách đây 64 năm và mục tiêu cuối cùng là lợi ích sức khỏe cộng đồng thì nó cũng đã thực sự gây tổn thương, thiệt hại và đáng bị lên án. Nước Mỹ lấy làm tiếc vì những gì đã xảy ra. Chúng tôi xin lỗi tất cả những ai đã bị ảnh hưởng bởi cuộc thí nghiệm đáng ghê tởm này".

Tổng thống Mỹ Obama cũng đã điện đàm cho người đồng nhiệm, Tổng thống Guatemala, Alvaro Colom để đưa ra lời xin lỗi. Tuy nhiên chính phủ Guatemala đã ra tuyên bố phản ứng khá cứng rắn trước vụ việc mới được phanh phui. Phát ngôn viên của Tổng thống Guatemala Ronaldo Robles cho hay: "Chúng tôi biết vụ việc này đã diễn ra thời gian trước đây, nhưng điều này là không thể chấp nhận và chúng tôi ghi nhận những lời xin lỗi từ ngoại trưởng Clinton". Về phía Chính phủ Guatemala, Tổng thống Alvaro Colom lên án vụ thí nghiệm nghiên cứu y học này là tội ác chống lại loài người, đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp, đồng thời khẳng định quyền được bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất và sẽ kiện Mỹ tại các tòa quốc tế. Thông cáo của Phủ Tổng thống  Guatemala công bố, Tổng thống Colom đã ra lệnh thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm điều tra toàn diện về sự việc trên, tập trung vào những công dân và tổ chức trong nước đã tham gia vào cái gọi là "thí nghiệm nghiên cứu y học" của Mỹ. Giới chức và dư luận Guatemala cũng kêu gọi các gia đình nạn nhân phải được bồi thường.

            Chí Thành      
(Theo AFP, Washington)

Ý kiến của bạn