Thủ đoạn “ăn tiền” để bảo kê cho các lò gạch hoạt động trái phép (còn gọi là lò gạch “thổ phỉ”) trên địa bàn huyện Sóc Sơn bị phát hiện, lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đinh Hoàng Minh - chuyên viên thuộc bộ phận Thanh tra chuyên ngành số 2 Thanh tra Sở, đồng thời giao cho phòng khiếu nại tố cáo và tổ chức hành chính tổ chức xác minh làm rõ vấn đề này và tiếp tục triển khai những công tác kiểm tra phối hợp với Phòng Kế hoạch tổng hợp của Sở Xây dựng kiểm tra hoạt động của các lò gạch…
Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm và lò gạch trái phép
Trước đó, một số cơ quan báo chí đã có các bài phản ánh tình trạng những lò gạch thủ công kiểu “bách khoa” hay lò vòng… hoạt động trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đáng nói là theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể, phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có những nội dung quy định rõ về phát triển công nghệ sản xuất gạch đất sét nung: “Không được đầu tư các lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng (hay còn gọi là lò Hoffman) có sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu khí). Các dự án đầu tư phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển VLXD địa phương và quy hoạch vùng nguyên liệu...”.
Các lò gạch thủ công hoạt động trái phép đang hủy hoại môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có hàng trăm lò gạch thủ công Bách Khoa, lò vòng... hoạt động trái phép. Nhiều lò xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp, nằm ngoài vùng quy hoạch VLXD. Các lò này khai thác tài nguyên thiên nhiên như đất, cát, nước… công khai và vô kế hoạch, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và được thanh tra xây dựng ra giá “bảo kê” với “mức phí” 250 triệu đồng/lò.
Phàm thứ gì trái phép thường đem lại lợi nhuận cao bất thường, đương nhiên, gạch “thổ phỉ” ở Sóc Sơn đang đem lại “tiền tấn” cho một số cá nhân là những ông chủ lò, gây thất thu thuế của Nhà nước và nghiêm trọng hơn là làm tha hóa, biến chất nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn.
Theo các thông tin điều tra từ báo chí, một chủ lò gạch cho biết, họ chỉ cần đầu tư tầm 10 tỷ đồng/1 lò gạch, sau chưa đầy 3 năm thu hồi vốn và có thể “lần chần” cho đến khi bị buộc xóa sổ vào năm 2020, vậy là có thêm vài năm nữa để kiếm thêm lợi nhuận. Tuy cần đầu tư lớn, thu hồi không phải ngày một ngày hai, nhưng vẫn có đến cả trăm lò gạch trái phép đua nhau mọc lên và sẵn sàng… mọc thêm, chứng tỏ mức lợi nhuận thực tế còn cao hơn nhiều.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đã có văn bản yêu cầu Thanh tra Sở và các phòng, ban chuyên môn khẩn trương báo cáo giải trình, tổ chức kiểm tra, làm rõ vụ việc và kiên quyết xử lý cán bộ nếu có vi phạm. Đồng thời, yêu cầu các phòng ban của Sở phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra việc sản xuất gạch, ngói nung, không nung, lò vòng, lò cải tiến, gạch bê tông cốt liệu, trưng áp..., xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định. Các yêu cầu này phải báo cáo lãnh đạo Sở Xây dựng trước ngày 16/3/2016 để Sở báo cáo UBND thành phố.
Vẫn còn nhiều vụ xây dựng trái phép
Thời gian gần đây, đã có nhiều vụ việc bê bối trong ngành xây dựng bị báo chí phanh phui và rất nhiều cán bộ liên quan bị xử lý như vụ tòa nhà 8B Lê Trực, vụ resort Điền Viên Thôn cùng khu du lịch sinh thái ở Ba Vì... Tuy nhiên, tình trạng liên tiếp phát hiện các vụ xây dựng trái phép và đây là vụ việc đầu tiên cán bộ thanh tra bị “chỉ tận tay” cho thấy lĩnh vực thanh tra xây dựng đang có vấn đề nghiêm trọng về con người.
Cách vòi tiền trắng trợn và “theo đường dây” rất rộng cũng như chuyên nghiệp để sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ cho những sai phạm của các cán bộ thanh tra xây dựng trong vụ việc trên đang khiến dư luận hết sức bức xúc.
Đây chỉ là một lĩnh vực của một ngành trực thuộc Sở, còn bao nhiêu ban ngành, sở khác đều có lực lượng thanh tra. Họ đáng ra phải là những người nhận đồng lương từ ngân sách Nhà nước, tức từ tiền thuế của người dân, để đi làm chức phận phát hiện, xử lý các sai phạm thì đằng này lại chấp nhận những đồng tiền “bẩn” để nhắm mắt làm ngơ, thậm chí “tạo điều kiện” cho sai phạm nảy sinh.
Qua đây, cũng cần nói tới trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc để xảy ra các vụ xây dựng trái phép với quy mô lớn hoạt động và tồn tại trong nhiều năm, vậy thì những cán bộ phụ trách tại địa phương này đã đi đâu? Họ, với bổn phận quản lý từng tấc đất trên địa bàn mình, chỉ có thể là thiếu trách nhiệm hoặc “nhắm mắt làm ngơ” một cách có chủ ý thì các công trình trái phép mới tự tung tự tác dễ dàng như vậy. Dư luận mong rằng những người liên quan tiếp tay cho sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đó là việc làm rất cần thiết để làm trong sạch đội ngũ, lấy lại lòng tin của người dân vào chính quyền các địa phương có sai phạm.