(Phan Văn Hân - Kiên Giang)
Con người vốn được tạo hóa phú cho một hệ thống phòng thủ để chống lại tác nhân bên ngoài xâm nhập rất hiệu quả và đó cũng chính là rào cản cho công việc ghép tạng.
Khi một tác nhân xâm nhập cơ thể sẽ tạo ra một đáp ứng miễn dịch, gồm đáp ứng miễn dịch dịch thể (tạo các kháng thể trung hòa vật lạ) và đáp ứng miễn dịch tế bào (tạo các tế bào miễn dịch đến bao vật lạ để tiêu diệt). Vật lạ được nhận diện qua các dấu ấn bề mặt gọi là kháng nguyên. Với 2 người có quan hệ huyết thống càng gần thì kháng nguyên bề mặt của tế bào càng ít khác biệt. 2 người song sinh thì về di truyền giống nhau nên kháng nguyên bề mặt của tế bào cũng gần nhau, những người khác nhau thì hệ kháng nguyên này cũng khác, khác loài thì mức độ khác biệt càng lớn. Khi ghép một cơ quan từ người khác có khả năng tạo ra các phản ứng thải trừ mô ghép, nếu tối cấp thì mô ghép vào sẽ “chết” ngay, đáp ứng cấp xảy ra từ 10 ngày đến một tháng sau (do các tế bào miễn dịch tấn công mô ghép) hoặc mãn tính xảy ra sau 1 tháng đến suốt thời gian mô ghép còn tồn tại (do cơ thể hình thành kháng thể chống lại kháng nguyên mô ghép và tế bào T mẫn cảm đặc hiệu kháng nguyên ghép).
Để hạn chế tối đa phản ứng thải ghép, người ta cố gắng lựa chọn người cho càng ít có sự khác biệt kháng nguyên ghép với người nhận càng tốt, sau ghép thì dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn cản đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Điều nghịch lý là nếu ức chế phản ứng miễn dịch cơ thể thì giống như ngăn cản hệ thống phòng thủ chống bệnh tật được tạo hóa sinh ra, sau ghép người ta phải theo dõi để làm sao cho dung hòa giữa 2 vấn đề này. Để tìm ra người cho tạng có mức độ tương hợp cao người ta tiến hành định týp HLA, thông thường xác định kháng nguyên 3 nhóm: HLA-DR, HLA-A, HLA-B càng gần giống càng tốt. Tiến hành đọ chéo cũng như các định trạng thái tiền mẫn cảm của người nhận. Nếu để cho phản ứng thải trừ mô ghép xảy ra coi như việc ghép tạng bị thất bại.