Hà Nội

Phân tích sơ bộ cho thấy vắc xin AZD1222 có hiệu quả phòng ngừa COVID-19

17-12-2020 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Thử nghiệm an toàn của vắc xin mới thúc đẩy quy trình sản xuất và phân phối trên toàn cầu trong nỗ lực dập tắt COVID-19.

Ảnh minh họa

Kết quả phân tích sơ bộ của chương trình nghiên cứu do Đại học Oxford thực hiện với AZD1222 (Pha III) đã được bình duyệt và công bố trên tạp chí The Lancet vào ngày 8.12. Kết quả đã chứng minh vắc xin an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh COVID-19 có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, và kiểm soát bệnh khỏi tình trạng chuyển biến nặng hay phải nhập viện. Phân tích do Đại học Oxford thực hiện từ các thử nghiệm giai đoạn III ở Anh và Brazil bao gồm 11.636 người, trong đó 131 trường hợp nhiễm virus có triệu chứng.

Ngoài ra, hiệu quả của vắc xin cũng được đánh giá qua một tiêu chí khác là sự phòng ngừa sớm tình trạng bệnh chuyển biến nặng sau tiêm liều đầu tiên. Không có trường hợp nào phải nhập viện hoặc bệnh diễn tiến nặng lên sau hơn 21 ngày sau lần tiêm đầu tiên.

Đến nay, dữ liệu về tính an toàn của vắc xin đã được công bố từ hơn 20.000 người tham gia qua bốn thử nghiệm lâm sàng ở Anh (COV001 và COV002), Brazil (COV003) và Nam Phi (COV005). Thông tin công bố trên tạp chí Lancet xác nhận rằng AZD1222 được dung nạp tốt và không có biến cố nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan đến vắc xin. Đối tượng tham gia nghiên cứu là những người khỏe mạnh hoặc có bệnh lý nền ổn định, đến từ những vùng địa lý và chủng tộc khác nhau.

Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm vắc xin Oxford và Nghiên cứu viên chính của Thử nghiệm vắc xin Oxford, cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã công bố phân tích sơ bộ về thử nghiệm pha III và cho thấy loại vắc xin mới này có độ an toàn cao, và hiệu quả chống lại virus corona”.

Pascal Soriot, Tổng Giám đốc Điều hành của AstraZeneca cho biết: “Kết quả chứng tỏ rằng vắc xin có hiệu quả chống lại COVID-19, đặc biệt không ghi nhận tình trạng bệnh trở nặng và phải nhập viện trong nhóm vắc xin, cũng như tính an toàn và độ dung nạp tốt. Chúng tôi đã bắt đầu gửi dữ liệu đến các cơ quan quản lý trên toàn thế giới cho quy trình phê duyệt sớm, đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi đã được thiết lập và sẵn sàng để bắt đầu phân phối nhanh chóng hàng trăm triệu liều vắc xin phi lợi nhuận trên quy mô toàn cầu”.

Công ty cũng đang xin Cấp phép khẩn cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới để có lộ trình khẩn trương phổ biến vắc xin ở các nước có thu nhập thấp. Công ty cũng đang đạt được tiến độ sản xuất nhanh chóng, với công suất lên đến 3 tỉ liều vắc xin vào năm 2021.

Hiện có hơn 10 loại vắc xin phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên thế giới, trong đó có AstraZeneca của Anh, Sanofi của Pháp và các công ty của Mỹ như Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson và Moderna.

AZD 1222 là cái tên tạm thời của loại vắc xin do Hãng dược AstraZeneca của Anh cùng một viện thuộc Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu và phát triển, hiện đang được thử nghiệm trong một nghiên cứu lớn. Vắc xin này đem lại nhiều hứa hẹn nên các nước lớn đã mạnh tay đặt cược vào nó.

Cho đến nay, đã có hơn 70 triệu người nhiễm nCoV trên thế giới, trong đó gần 1,6 triệu người chết, WHO kêu gọi mọi người duy trì cảnh giác trong dịp Giáng sinh.


Ý kiến của bạn