Phân tích khoa học về ca sinh nở hy hữu của cụ bà ngoài 70 tuổi

12-05-2016 21:37 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo GS. Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện sức khỏe Sinh sản và Gia đình, người phụ nữ đến tuổi 70 buồng trứng đã teo và không còn rụng trứng nên việc sinh con tự nhiên dường như là không thể. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, trường hợp bà cụ ngoài 70 ở Ấn Độ sinh con đầu lòng vẫn có thể xảy ra nhưng là hy hữu.

Trong những ngày qua, thông tin về cụ bà 70 tuổi ở Ấn Độ sinh con đầu lòng khiến không ít người ngạc nhiên. Cụ Daljinder Kaur đã sinh một con trai với chồng 79 tuổi sau 2 năm điều trị IVF (thụ tinh qua ống nghiệm) tại một phòng khám phụ sản ở bang Haryana, phía bắc Ấn Độ.

Đôi vợ chồng già đã cưới nhau được 46 năm gần như mất hy vọng có một đứa con và phải đối mặt với sự chế giễu trong một đất nước mà vô sinh đôi khi bị xem như là lời nguyền của Thượng đế.

Điều đáng nói là cặp vợ chồng này sinh con bằng chính trứng và tinh trùng của mình bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ của cặp vợ chồng này cho biết, ban đầu khi khám, ông hoài nghi và lo lắng nhưng khi bà Daljinder  đã mang bầu, các kết quả xét nghiệm cho thấy sức khỏe của bà và thai nhi đều ổn.

Ngày 19/4 vừa qua, đứa trẻ đã trào đời khỏe mạnh với cân nặng 2 kg.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên ở Ấn Độ, một người phụ nữ khác 72 tuổi ở bang Uttar Pradesh đã sinh đôi vào năm 2008 cũng thông qua IVF.

Bà Daljinder Kaur và chồng bên cậu con trai đầu lòng khỏe mạnh 2kg.

Hiếm nhưng vẫn có thể sinh con ở tuổi 70

Trao đổi với phóng viên về ca sinh nở hy hữu này, GS. Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện sức khỏe Sinh sản và Gia đìnhcho biết, đây là trường hợp đặc biệt ít được ghi nhận trên thế giới và Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện nay, việc sinh con ở độ tuổi này vẫn có thể thực hiện được.

Theo GS Đức, người phụ nữ thông thường đến tuổi 70 buồng trứng đã teo và không còn phóng noãn (rụng trứng) được nữa nên việc sinh con tự nhiên hoặc sinh con bằng trứng của mình dường như là không thể. Tuy nhiên, trong trường hợp người phụ nữ 70 tuổi ở Ấn Độ vẫn có thể sinh con thì sẽ có hai trường hợp xảy ra.


Trường hợp đầu tiên đó là dùng những tiến bộ của y học, dùng nội tiết kích thích sự phóng noãn và lấy những noãn (trứng) đạt yêu cầu để làm thụ tinh trong ống nghiêm. Tuy nhiên, trường hợp này tôi chưa thấy trong y văn. Trường hợp thứ hai là dùng trứng của một người phụ nữ khỏe mạnh, vẫn trong độ tuổi sinh đẻ kết hợp với tinh trùng người chồng sau đó thụ tinh trong ống nghiệm. Trường hợp này khả năng thành công cao hơn và được áp dụng rộng rãi hơn - GS Đức phân tích.

Nói về người chồng đã 79 tuổi, GS Đức cho biết: “Đối với phụ nữ thì khó khăn khi tuổi đã cao, còn đối với nam giới đã ghi nhận có trường hợp 80 tuổi vẫn có thể có con, đó là chưa kể cặp vợ chồng trên còn thụ tinh trong ống nghiệm, như vậy tinh trùng người chồng sẽ được chọn lọc và khả năng thành công sẽ cao hơn”.

Chia sẻ về những rủi do nguy cơ đối với người phụ nữ cao tuổi mang thai, GS Đức cho rằng, ngoài những nguy cơ mà bất kỳ người phụ nữ mang thai nào khác cũng phải đối mặt, thì những người cao tuổi còn phải đối mặt với nguy cơ sảy thai cao, dễ bị tai biến khi “vượt cạn”...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, khi người phụ nữ đáng tuổi bà mang thai và sinh con liệu có gặp những khó khăn gì trong việc chăm sóc và nuôi con sau sinh, GS Đức cho rằng: “Đó không phải là vấn đề lớn, vẫn biết nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất, nhưng trong trường hợp này và những trường hợp không thể nuôi con bằng sữa mẹ, thì công nghệ hiện đại ngày nay có thể “nuôi bộ” hoàn toàn được trẻ, thậm chí là trẻ sinh non bằng các loại sữa chuyên dụng”.


GS Đức chúc mừng cặp vợ chồng sinh con ở độ tuổi “xưa nay hiếm” và cho rằng đó là thành công của ngành y học thế giới. Tuy nhiên, GS Đức cũng khuyến cáo, phụ nữ nên sinh đẻ ở độ tuổi khi còn trẻ (25-35 tuổi là tốt nhất). Đối với những trường hợp có ý định sinh con khi tuổi đã cao, thì phải có sự tư vấn và hướng dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ sản khoa.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn