Hà Nội

Phán quyết của WTO: Cuộc chiến thương mại EU - Mỹ sâu sắc hơn?

15-10-2020 16:46 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa ra phán quyết cho phép Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mỹ để bồi thường cho các khoản trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Boeing của Washington. Theo phán quyết này, EU được WTO “bật đèn xanh” để áp đặt các biện pháp thuế quan lên khoảng 4 tỉ USD hàng hoá và dịch vụ của Mỹ.

Tăng cường đàm phán

Ngày 14/10, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Washington sẽ tăng cường đàm phán với EU nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài liên quan đến chính sách trợ giá sản xuất máy bay sau phán quyết trên của WTO.

Ông Lighthizer khẳng định Mỹ quyết tâm tìm kiếm giải pháp tranh chấp và sẽ thúc đẩy đàm phán đang diễn ra với Brussels (Bỉ) để khôi phục cạnh tranh công bằng và một sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực sản xuất máy bay. Cũng theo Đại diện Thương mại Mỹ, phán quyết của WTO nhằm dọn đường cho EU áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 4 tỉ USD của Mỹ là “không có cơ sở hợp lệ”.

Cùng thời điểm trên, sau phán quyết của WTO, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị chấm dứt cuộc chiến thuế quan và tìm ra giải pháp hòa giải cho tranh chấp kéo dài 16 năm về trợ cấp cho 2 nhà sản xuất máy bay. Phó Chủ tịch EC phụ trách kinh tế và thương mại Valdis Dombrovskis khẳng định, EU sẽ ngay lập tức nối lại tiếp xúc với Mỹ theo cách tích cực và mang tính xây dựng để quyết định các bước tiếp theo. Ưu tiên mạnh mẽ của EU là giải quyết bằng thương lượng.

Theo ông Dombrovskis, EU sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và phản ứng theo cách tương xứng. Sau khi được WTO cho phép, EU có thể áp đặt thuế trả đũa Washington từ ngày 27/10 - 1 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Được biết, EU đã lập sẵn một danh sách các sản phẩm của Mỹ mà họ có thể áp thuế, từ tương cà đến phụ tùng ôtô.

Phán quyết mới của WTO có thể làm gia tăng căng thẳng giữa EU - Mỹ.

Phán quyết mới của WTO có thể làm gia tăng căng thẳng giữa EU - Mỹ.

Một tranh chấp kéo dài

Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho Hãng máy bay Boeing và Airbus. Đây là một trong những mặt trận của cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ.

Cả Mỹ lẫn EU đều cáo buộc lẫn nhau về việc đã cung cấp các biện pháp hỗ trợ bất hợp pháp cho các nhà sản xuất máy bay tương ứng của mỗi bên và đưa yêu sách trước cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại của WTO.

Đến tháng 10/2019, WTO ra phán quyết ủng hộ Mỹ liên quan đến vấn đề trợ cấp của EU với Airbus. Theo đó, WTO cho phép Mỹ trừng phạt 7,5 tỉ USD đối với các sản phẩm của EU do cáo buộc EU trợ cấp cho Airbus. Đây là số tiền lớn nhất được WTO cho phép trừng phạt từ trước đến nay bởi khoản viện trợ của EU dành cho Airbus bị coi là không phù hợp theo các quy định thương mại quốc tế. Ngay sau đó, Washington đã áp đặt mức thuế trừng phạt 25% đối với các sản phẩm của EU như rượu vang, pho-mát và dầu ôliu. Mức thuế 10% đối với máy bay Airbus đã bị tăng lên 15% từ tháng 3/2020.

1 năm sau, WTO lại ra phán quyết cho phép EU trừng phạt lại Mỹ với lý do tương tự dành cho Boeing. Giữa lúc ngành hàng không thế giới, bao gồm cả Airbus và Boeing đang chìm trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, giới quan sát cho rằng cuộc chiến thuế quan trên giữa EU - Mỹ chỉ làm kéo dài thêm việc tăng giá máy bay chứ không hề phục vụ cho lợi ích của cả EU và Mỹ.

Trong một tuyên bố, Boeing kêu gọi, thay vì leo thang tranh chấp với những đe dọa doanh nghiệp Mỹ và khách hàng châu Âu, Airbus và EU nên tập trung sức lực vào những nỗ lực thiện chí để giải quyết tranh chấp kéo dài này. Còn Airbus nhấn mạnh sự ủng hộ với một giải pháp thương lượng cho một “dàn xếp công bằng” và loại bỏ thuế quan cho cả hai bờ Đại Tây Dương.

Trong khi phán quyết mới của WTO bị cho rằng báo hiệu nguy cơ gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương, một nguồn thạo tin lại bày tỏ hy vọng rằng động thái mới của WTO có thể mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ.


Hà Anh
Ý kiến của bạn