Đáng chú ý là việc phân nhóm lao động về thời gian đóng BHXH để có giải pháp hạn chế rút BHXH một lần.
Phân nhóm lao động theo mốc thời gian
Theo đó, phương án 1 quy định quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu.
Về bản chất, theo Bộ LĐTBXH, đây là quy định kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH132, cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng hưu, hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu.
Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần, thì sẽ được hưởng thêm 5 quyền lợi.
Cụ thể, chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu, thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bên cạnh đó, người lao động còn được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần, thì không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/1/2025) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư, hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng).
Đại diện Bộ LĐTBXH đánh giá, ưu điểm của phương án này là dần từng bước khắc phục được tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần phổ biến thời gian qua.
Theo dữ liệu thống kê giải quyết thời gian qua với gần 99% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo trường hợp "sau một năm nghỉ việc", khoảng 67% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thời gian đóng dưới 5 năm, thì với phương án này trong những năm đầu, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, nhưng giảm càng nhiều những năm sau.
Từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần so với giai đoạn vừa qua; tiến tới tiếp cận theo thông lệ quốc tế, chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp không đủ điều kiện/không có khả năng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Qua đó, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bằng so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì tối ưu hơn.
Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên cơ bản sẽ ít khả năng gặp phải ứng của người lao động hơn.
Được rút tối đa 50%
Về phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ này, phương án trên hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống, do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại.
Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn; có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Theo Bộ LĐTBXH, đây là phương án vừa phúc đáp được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.
Song, nhược điểm của phương án là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi.
Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Theo các chuyên gia về lao động, phương án 2 thực chất vẫn giữ nguyên so với dự thảo ban đầu. Chỉ có phương án 1 là có điểm mới về phân nhóm lao động giai đoạn trước và sau khi Luật BHXH sửa đổi (dự kiến vào 1/1/2025) và gia tăng lợi ích để khuyến khích người lao động ở lại BHXH. Giải pháp này được coi là về dài hạn sẽ hạn chế việc rút BHXH một lần.
Bộ LĐTBXH, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với cả 2 phương án trên.