Phận người cheo leo thân cọ

16-08-2009 08:10 | Xã hội
google news

Cả một miền mênh mang xanh. Cọ ở đây thân cao, cành lá vươn thẳng lên bầu trời thăm thẳm chứ không lòa xòa ngút ngát như cọ vùng xứ Thanh.

Cả một miền mênh mang xanh. Cọ ở đây thân cao, cành lá vươn thẳng lên bầu trời thăm thẳm chứ không lòa xòa ngút ngát như cọ vùng xứ Thanh. Ngày nay, nhu cầu dùng lá cọ không còn như trước, chính vì thế mà cây cọ mất dần vai trò lịch sử nhưng nghề trèo cọ khai thác lá ở ven sông Thao thì vẫn chẳng bị mai một.

Trong tâm thức của nhiều người nói đến cây cọ là gợi nhớ về mảnh đất Cẩm Khê - Yên Lạc vời vợi, nơi dòng sông Thao chao nghiêng bắt đầu đổ về ngã ba sông Việt Trì, mảnh đất phía cực Tây Bắc tỉnh Phú Thọ. Với những ai được sinh ra trên mảnh đất này, những kỷ niệm của tuổi thơ cắp sách đến trường luôn gắn liền với nhưng tán lá cọ, dường như cọ sinh ra đã dành để trao duyên làm đẹp thêm cho mảnh đất trung du trùng điệp này.

 Cây cọ luôn gắn bó với người Cẩm Khê.

Sức sống diệu kỳ

Về vùng đất này mới thấy thật lạ. Cây cọ với người dân Cẩm Khê cũng thân thiết chả khác gì cây lúa, cây tre. Có nghĩa có thể tận dụng được tất cả, này nhé: gỗ cọ dùng làm xương nhà tranh vách đất, cành lá cọ lợp mái, đan áo tơi che nắng che mưa thật hữu dụng, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát rười rượi. Cọ cũng hiện hữu trong các vật dụng hằng ngày: đan chổi, làm rổ, làm rá... Trên đất nước ta, cây cọ mọc phân bố nhiều ở miền trung du và rải rác nơi rẻo cao Tây Bắc và vùng núi xứ Thanh - Nghệ nhưng cọ ở Phú Thọ vẫn được coi là nhiều.

Mà sao với người Cẩm Khê, cọ lại có sức sống diệu kỳ đến thế, cọ là tượng trưng của đức tính bền bỉ, dẻo dai, cọ như hình ảnh "cây tre Việt Nam" trong tim không bao giờ mờ phai, dù đi ngược về xuôi, người Cẩm Khê vẫn mãi nặng nghĩa tình với cọ.

Còn nhớ dạo tôi may mắn có dịp gặp gỡ người con của đất Cẩm Khê - nhà văn Ngô Ngọc Bội - hội viên Hội Nhà văn, nguyên Trưởng ban Văn nghệ báo Văn Nghệ trước đây. Ở độ tuổi thất thập nhưng những kỷ niệm về cây cọ như đánh thức lại tuổi thơ ông: "Muốn vào rừng phải có dao thật sắc mới đi được. Một gốc cọ lớn dưới còn mọc biết bao là gốc cọ con. Ánh nắng không thể xuyên qua được trong rừng, đất thì mịn như nhung, chỗ nào cũng có thể ngả lưng thoải mái".

Ở nước ta, có mấy ai yêu và gắn bó với cây cọ được như nhà văn họ Ngô. Xoè tay ra đếm, một người có 10 ngón tay, một năm có 12 tháng. Cây cọ cũng đều đặn như những con số, nó như cái đồng hồ của thiên nhiên cứ băng băng 12 tháng trong năm chỉ sinh 12 tàu lá vươn thẳng xoè xoè.

Khi nói về nghề chặt lá cọ, bản thân ông cũng chẳng nhớ rõ cội nguồn của cái nghề. Và có lẽ, cũng chẳng nên cố tìm hiểu xem nó có từ bao giờ để làm gì bởi 12 tàu lá cọ khít nhau quanh một cái thân có đường kính khoảng 30cm, như vậy mỗi năm cây cọ chỉ cao lên được 2 - 3cm là cùng. Những cây cọ cao cả hàng chục mét kia có lẽ cũng phải trải qua 3 - 4 đời người. Đấy là với những số phận đi qua được hết hơn 3 vạn 6 nghìn ngày (tức 100 năm) còn đối mặt với những mỏng manh của kiếp người trèo cọ hái lá thì thấu sao cho hết?

Đánh đu với số phận

Nghề trèo cọ không chỉ dùng sức người mà còn cả sự khéo léo cả một chút liều lĩnh. Khi làm việc, các bắp thịt, gân cốt người thợ đều căng thẳng, mặt thường ngửa lên trời trong nhiều giờ, vai và cổ đau không tả nổi. Cho nên, thợ trèo cọ thường phải là nam thanh niên và chưa đến tuổi 50 đã phải bỏ nghề, làm việc khác. Phụ nữ rất hiếm người làm được việc này.

Với người làm nghề trèo lá, con dao là vật được chăm chút nhất. Dao phải mài thật sắc, chém sao cho thật bén nếu không sẽ làm cọ đau. Mà phải chém mở, một nhát từ dưới lên, một nhát từ trên xuống thì sau này cọ mới lớn, lá mới xòe to, vươn thẳng. Cái đà là đồ nghề quan trọng, đà là cây tre đực cao có các mấu cách đều nhau. Lúc trèo người trèo buộc đà chặt vào gốc cọ, trèo đến đâu buộc đến đấy.

 Một cây cọ trung bình có khi cần sử dụng tới cả hai cái đà, buộc đà như vậy gọi là đà nối. Không có đà thì dùng thang, thường trèo bằng đà khó hơn trèo thang, vì cạnh mấu của cây tre đực cọ vào chân hay làm bong da, rát bàn chân. Người trèo cọ là người có bàn chân bị rách nhằng nhịt những vết sạn chai. Khi trèo cọ sợ nhất là lúc trèo hết đà lần theo hết bi cọ (gai to ở gốc) mà lên đến bầu. Bầu cọ là nơi phình  to ra trên cao, nơi tàu lá cọ vươn lên, người trèo cọ khi chặt lá bao giờ cũng chú ý làm vệ sinh cho bầu, bởi cành cọ khô có khi là nguyên nhân làm chết người, có vậy mới khỏi sợ bấu vào bầu mục mà ngã.

Nghề chặt lá cọ là cái nghề cực nhọc và phải luôn đối mặt với những hiểm nguy. Chỉ có một con dao sắc và lòng dũng cảm, suốt ngày phơi nắng người trèo cọ phải trèo một ngày có khi tới 5 - 7 chục cây cao hàng chục mét mà không có gì để bảo vệ cho mình.

Bấu vào đà buộc chặt vào gốc cây bằng sợi dây thừng người trèo bắt đầu bò lên cái thân sần sùi gai góc. Trèo đến đâu buộc chặt đà vào thân cây đến đấy. Cả người và vật đúng là như thân tầm gửi bám vào kiếp cọ mà tìm kế sinh nhai.

Thôi thì đủ những nguyên nhân, nào là gẫy đà, nào là bấu phải bầu mục, nào là bị ong đốt, nào là cọ bị bật gốc... nhưng chung quy lại cái chết nào của người trèo lá đều là những cái chết thương tâm và cùng chung một điểm, đều ngã từ trên cành cao chênh vênh có khi hơn tới cả chục mét xuống đất. Chỉ có những người thật nghèo thật khổ mới phải đùa với số phận đi trèo cọ kiếm miếng cơm. "Đói thì đầu gối phải bò", ai cũng biết. 

Chỉ hỏi một lát mà trong sổ tay tôi đã chi chít những trường hợp thương tâm như cái chết do trèo cọ ngã của anh Điều ở xã Đồng Cát. Rồi ông Hai Dụng trèo cọ bị ong bầu vẽ đốt chết. Ong bầu vẽ hay làm tổ trong bầu cọ, nếu người trèo cọ sơ ý gặp phải tổ chỉ còn nước giả chết ôm chặt cây thì cơ may mới không bị ong đốt. Mà cái giống ong này nó ác, chỉ nhè mặt người ta mà đốt, khi đuổi ai thì đuổi đến tận cùng.

Mới đây nhất là anh Nhượng bên xã Nga Sơn ngã từ cây cao 15m xuống do cây đổ, bốc rễ, anh bị gãy xương chân nhưng không chết. Chắc trường hợp của anh Nhượng cũng chỉ là hãn hữu.

Dẫu sao thì trèo cọ cũng mang lại thu nhập cao ở xứ này. Bây giờ công trả cho người trèo lá cũng thuộc diện cao so với mức sống trung bình của Cẩm Khê, 100 tàu lá được tính công là 12.000 đồng, mà một ngày, người trèo lá có khi phải đánh vật với khoảng 5 - 7 chục cây cọ là bình thường, mỗi cây cọ lại cho khoảng chục tàu lá như vậy là đã có có thu nhập 60.000 - 70.000 đồng/ngày. Còn nếu đứng ra thu mua lá, thì người thu mua phải trả cho chủ vườn với giá gốc là 24.000 đồng/100 tàu lá và bỏ mối bán buôn dưới chợ huyện cũng được tới 45.000 đồng/100 tàu, lấy công làm lãi thì đã có thu nhập gấp đôi người trèo cây. Nhưng sao người trèo cọ vẫn  bị cái đói, cái nghèo ám ảnh? Vì tuổi nghề của người trèo cọ ngắn, vì tai nạn hay vì diện tích của vùng cọ đang dần thu hẹp lại?

Ngồi dưới gốc cọ nghỉ ngơi làm điếu thuốc lào, anh Minh "lá" cho chúng tôi xem bàn chân của mình, bàn chân của người trèo cọ. Nó nhì nhằng vết sạn chai, xù xì, bền bỉ, dẻo dai.

Chẳng được ăn nhưng nghe anh Minh kể về món cọ ỏm nức tiếng cũng cảm thấy ứa nước miếng. Cọ ỏm phải là cọ phấn, quả phải được lấy từ cây vài ba năm không chặt lá. Khi ỏm trong nồi to, đợi nước sôi dìu dịu sủi tăm cua là bắc xuống, lúc đó mới thả cọ vào khoảng 15 - 20 phút là được. Quả cọ khi ỏm có màu nâu sậm, lúc ỏm xong váng nổi như váng mỡ bám quanh nồi, bóp vào mà quả cứ mũm mùm mụm, cho màu vàng ươm đườm đượm là ngon nhất.

Sáng sớm, nắng trên cao chiếu xuống vàng rộm. Ngút ngàn những tàu lá cọ bập bềnh đón nắng. Ai cũng thấy, ai cũng bảo "sao mà đẹp thế", nhưng thú thực với tôi sau khi nghe những chuyện cây cọ - kiếp người ấy rồi thì lại thấy cây cọ có vẻ đẹp trầm buồn, cái buồn ở miền trung du bán sơn địa nó cứ da diết thế nào...

Nguyễn Trọng


Ý kiến của bạn