Phận ngư phủ và cơn lốc ma túy

04-12-2011 08:22 | Xã hội
google news

Nếu như trước đây các tệ nạn ma túy, mại dâm là cái gì đó xa lạ, là điều tưởng chừng không thể xảy ra ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, thì nay nó trở thành nỗi lo thường trực của mỗi gia đình nơi đây.

Nếu như trước đây các tệ nạn ma túy, mại dâm là cái gì đó xa lạ, là điều tưởng chừng không thể xảy ra ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, thì nay nó trở thành nỗi lo thường trực của mỗi gia đình nơi đây. Hình ảnh con nghiện vật vờ, ống kim tiêm nằm vương vãi ở những gốc cây, sau vườn và cả những con nghiện chết vì căn bệnh AIDS không còn hiếm đối với người dân vùng đảo Lý Sơn này nữa.

Đi biển để nghiện...

Những năm gần đây, tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy không chỉ xảy ra ở các thành phố mà giờ đây nó còn tràn về các vùng quê, đặc biệt là khu vực các đảo gần đất liền. Cuộc sống thanh bình của vùng đảo vì thế bị đảo lộn. Vấn nạn ma túy bắt đầu rộ lên ở Lý Sơn vào năm 2005. Khi ấy, rất nhiều thanh thiếu niên theo những chuyến đi biển đánh cá ngoài khơi xa nhiều ngày, có khi cả tháng trời mới về lại nhà. Nghề đánh cá trên những con tàu có công suất lớn giúp người dân nơi đây làm giàu nhanh chóng, đã thu hút rất đông giới trẻ tham gia. Những con tàu này cùng với sức trẻ của thanh niên đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình trên đất đảo. Nhưng cũng chính vì thế, hệ lụy đã xảy ra.

 Từ những con thuyền đánh cá, tệ nạn ma túy đã theo chân các ngư phủ về vùng đảo yên bình.

Con đường đến với ma túy của những thanh niên này xuất phát từ sự đua đòi. Các con nghiện chủ yếu ở lứa tuổi 18-30, trước đây đều là những thanh niên hiền lành, giỏi giang, chất phác... Nhiều thanh niên đi lặn biển xa cùng các thuyền lớn ở các tỉnh phía Bắc với thu nhập cao rồi sa vào con đường nghiện ngập và cuối cùng là mang cái “chết trắng” cùng bệnh tật về quê nhà vốn yên bình. Hiện nay cũng đã có vài ba thanh niên chết vì ma túy... Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn, ông Trần Ngọc Nguyên cho biết: “Ngày trước, một số thanh niên trên đất đảo đã bỏ học để theo những chuyến tàu ra các tỉnh phía Bắc khai thác hải sản. Sau một thời gian dài lao động, họ trở về quê và mang theo “bóng ma” ma túy. Rồi từ đó lan tràn trên đất đảo không ngừng!”.

Mấy ngày lang thang trên đảo, chúng tôi làm quen được với anh Dương Văn H. trước cũng là một người nghiện ma túy nhưng bằng nghị lực của bản thân anh đã đoạn tuyệt được với ma túy. Anh H. tâm sự: “Khi đó nguồn hải sản ở các tỉnh phía Bắc dồi dào và biển cũng bình yên nên việc làm ăn rất dễ dàng. Mỗi khi vào bờ, cả nhóm trẻ chúng tôi lại thuê taxi đi chơi. Ban đầu chỉ là các quán cà phê, quán nhậu, dần dần rồi làm quen với những con nghiện. Thấy họ chích, hút và đạt khoái cảm cực độ nên cũng tập tò thử cho biết. Biết một lần rồi bỏ không được nên theo đến giờ... Và cứ thế, ra biển thì mua “hàng” mang theo để chích, khi kết thúc ca lặn, thuyền cập cảng thì mang tiền vào đất liền tìm mối liên hệ để mua dùng cho đã và để dành cho những chuyến biển tiếp theo...”. Nhìn xa ra phía biển, anh H. nói tiếp: “Những lúc ấy còn trẻ, lại xa nhà nên cứ đua đòi theo bạn bè, muốn nếm của lạ thử cho biết. Cứ nghĩ còn sức, còn lặn được và gia đình cũng khá giả nên có tiền để thỏa mãn cơn nghiện chứ đâu có nghĩ được rằng, vài năm nữa hết sức, tài sản gia đình cạn kiệt không biết như thế nào nữa...”.

Theo công an huyện Lý Sơn, khoảng cuối năm 2005, xuất hiện một nhóm thanh niên lạ. Họ thường la cà ngoài quán, nhậu nhẹt lu bù rồi kết thân với nhiều thanh niên trai tráng trên đảo. Sau những cuộc vui ấy, chúng bắt đầu kéo nhau đi đâu không rõ. Chỉ đến khi công an huyện Lý Sơn bắt quả tang Nguyễn Mười (trú tại Lý Sơn) đang mang trong người 33 tép heroin thì người dân xứ đảo mới biết rằng chuyện thậm thụt lâu nay của đám thanh niên là chuyện hút chích. Trong quá trình điều tra, đã bắt giữ một số đối tượng là những con nghiện tại Lý Sơn. Đau lòng hơn khi các đối tượng này đều là những thanh niên vốn rất giỏi giang việc đánh cá và lặn biển. Công an huyện đảo Lý Sơn đã xác định được hàng loạt đối tượng đang nghiện ma túy tại hòn đảo này. Trong biên bản ghi lời khai, Nguyễn Mười đã khai rằng: “Từ tháng 9/2004, Mười cùng một số thanh niên đánh cá tận vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh... đã về Lý Sơn và mang theo một ít ma túy để sử dụng. Khi dùng hết, họ bắt đầu móc nối với đất liền để rồi trở thành một trong những mắt xích vận chuyển ma túy ra đảo”. Từ lời khai của Mười, cơ quan điều tra đã phát hiện trên đảo Lý Sơn đã có hơn 10 con nghiện.

Nỗi lòng cư dân xứ đảo

Khi đi tìm tư liệu để viết phóng sự này, tôi đã tiếp xúc với nhiều người đã từng vướng vào cái chết trắng. Ma túy đã đẩy không ít người và gia đình họ rơi vào bi kịch, nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra ở vùng đảo. Nhưng trong những người như thế, vẫn có người vượt qua được sự cám dỗ của ma túy để trở thành người có ích cho xã hội.

Mấy năm gần đây, khi biển động liên tiếp, hải sản ngày càng cạn kiệt, đời sống của những người dân đảo đã không còn dễ dàng nữa. Ngày trước, cuộc sống sung túc mỗi khi thuyền cập cảng. Một tháng ra khơi, họ có thể thu về từ 20 - 30 triệu đồng/người, bây giờ, kết thúc chuyến ra khơi dài ngày thì tiền làm ra đã ít, trong khi những đệ tử “nàng tiên nâu” thì cần nhiều tiền chơi nên họ đã phải chọn con đường “mượn” tài sản của gia đình đi cầm cố…

 Ông Th. chỉ nơi các con nghiện trên đảo thường tụ tập chích hút.

Người đầu tiên tôi gặp là ông Th. (trú xã An Hải, Lý Sơn). Ông Th. nói: “Tôi muốn mọi người biết hoàn cảnh gia đình mình để họ khuyên can con cái tránh xa ma túy”. Câu chuyện của người đàn ông có khuôn mặt già trước tuổi này khắc họa đầy đủ bi kịch mà ma túy đã gây ra. Là gia đình làng nghề đi biển, quanh năm ông Th. chỉ biết rát mặt với gió biển để nuôi con, hy vọng một ngày con sẽ nên người. Thế nhưng, tai họa ập đến mái nhà nhỏ của ông, cướp đi hy vọng giản dị ấy, khi đứa con trai lâm vào con đường nghiện ngập. Những tài sản tích góp được, con ông cũng đem bán hết. “Trước khi đi biển, tôi nói là sau chuyến này sẽ về sửa lại nhà, cưới vợ cho nó. Mọi thứ đã chuẩn bị để sẵn trong nhà nhưng khi tôi về thì nó đã đem bán hết. Nhưng cái đó vẫn không đau bằng việc nó đi phá làng, phá xóm, làm dân làng mất ăn mất ngủ. Việc này làm tôi khổ tâm lắm” - ông Th. nghẹn ngào. Khuyên can hết lời thế nhưng con trai vẫn không từ bỏ được ma túy, có lúc ông định xích con lại để giúp nó cai nghiện nhưng khi nghe tin ấy, con ông bỏ đi biệt, đến nay vẫn chưa về. Bây giờ, ông Th. sống một mình trong căn nhà trống hoác, cứ mặc cho mưa tạt gió lùa vì của cải làm ra đã bị con ông đem cống nạp cho làn khói trắng hết rồi. Không riêng gì gia đình ông Th., ma túy tràn về xứ đảo đã gây ra nhiều bi kịch. Người dân quê bao đời sống thanh bình nên trước cảnh ma túy hủy hoại nhiều gia đình, họ không biết ngăn ngừa hiệu quả. Khi phát hiện con cháu mình dính vào ma túy, họ không biết làm cách nào để giúp chúng cai nghiện.

Gần nhà ông Th. là gia đình chị Nguyễn Thị T. 32 tuổi cũng có người chồng vướng vào khói trắng. Chị sụt sùi một lúc rồi kể: “Lúc có tiền chơi bời không nghĩ đến chuyện nghiện ngập, đến lúc hết tiền lại phải lấy tài sản của gia đình đi cầm cố. Con người mất giá, bà con hàng xóm khinh bỉ, nhục lắm! Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều gia đình ở đây cũng vì có con nghiện mà ly tán, đồ đạc trong nhà cũng theo đó mà đi. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng mà chồng tôi đã đem 2 chiếc xe máy đi cầm lấy hơn 20 triệu đồng để “chơi” và những lần như thế tôi đều phải lấy tiền ở nhà ra chuộc… Giờ còn sức còn làm, còn có xe cộ của gia đình lấy đi cầm cố chứ vài bữa nữa, sức khỏe không có, tài sản không còn, biết làm gì để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện. Khuyên đi cai nghiện thì chồng tôi nói, ở trong đó khổ nên xin ở nhà tự cai, nhưng cai đâu không thấy chỉ thấy ngày càng nặng hơn!”. Gia đình bà Phan Thị L. trú xã An Vĩnh cũng vậy. Chúng tôi đến nhà khi bà đang chuẩn bị bữa cơm tối. Tạm gác lại tất cả, bà kể về đứa con trong nỗi đau khổ, buồn lo hiện rõ trên khuôn mặt và lời nói: “Thấy được cảnh làm biển vất vả và ngày càng khó khăn nên chồng tôi kiên quyết không cho nó theo nghiệp của cha. Học hết lớp 10, nghe lời rủ rê của bạn bè, nó theo họ đi lặn hải sâm... Những phiên đầu thì cũng đem về cho gia đình được dăm ba triệu đồng, nhưng dần dần thì ăn chơi nên số tiền làm được cũng chẳng thấm vào đâu. Rồi nó lại sa vào con đường nghiện ngập. Biển động kéo dài, hải sản cạn kiệt, không còn kiếm được nhiều tiền như trước nên bắt đầu lấy tài sản của gia đình đi cầm cố. Tháng vừa rồi nó đã “mượn tạm” chiếc xe Air Blade của gia đình đi cầm cố gần 20 triệu đồng để lấy tiền vào đất liền tìm... bạn. Giờ vẫn chưa thấy về. Ba nó đã gần 50 tuổi còn phải ngậm dây hơi lặn sâu xuống đáy biển tìm hải sản, nhưng khi vào bờ không dám tiêu một đồng vì lo nghĩ cho gia đình. Còn nó thì...”.

Theo Trung tá Lê Hồng Phong - Phó trưởng Công an huyện đảo Lý Sơn cho biết, đến nay con số đối tượng nghiện ma túy trên đất đảo là các thanh niên đã từng theo các thuyền công suất lớn ra các tỉnh phía Bắc để khai thác hải sản. Hầu hết, những con nghiện này đều được cai tại nhà và trên thuyền. Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ lại rời đảo và thuyền để vào đất liền tìm “hàng”. Vì vậy, theo một số người dân sống gần những con nghiện thì cũng khó mà biết được họ có thật sự cai nghiện không. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn ngậm ngùi: “Phận ngư phủ vốn đã khốn khó, giờ lại phải đương đầu với ma túy. Rồi cuộc sống của họ liệu sẽ đi về đâu?!”...

Bài và ảnh: Bùi Hữu Cường


Ý kiến của bạn