Hà Nội

Phân luồng, sàng lọc, cách ly, phát hiện sớm để hạn chế COVID-19 "thăm" bệnh viện

05-04-2020 17:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19 cùng các thành viên trong Đội Cơ động chống dịch của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác khám, sàng lọc, cách ly bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Việt Pháp và Bệnh viện Bưu điện ngày 5/4

Trao đổi với các bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Pháp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhắc lại sự kiện năm 2003 khi dịch SARS xảy ra đối với bệnh viện, bản thân ông cùng với chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới Việt Nam đã tuyên bố đóng cửa bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ: "Bản thân tôi năm đó đã tới thăm các bệnh nhân mắc SARS. Thực sự lúc đó, chúng ta chưa biết virus SARS lây như thế nào".

PGS.TS Lương Ngọc Khuê trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Việt Pháp về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở y tế

Dịch SARS đã khiến 44 điều dưỡng, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã tử vong. Bệnh viện Việt Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm.

PGS.TS Võ Văn Bản- Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp cho biết, Bệnh viện khi đó thiệt hại 4 triệu USD.

Từ bài học dịch SARS 2003, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện Việt Pháp thực hiện nghiêm và cập nhật những văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19.

Trao đổi với các đồng nghiệp Bệnh viện Việt Pháp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế  chưa giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 dương tính, nhiệm vụ của bệnh viện là phân luồng, cách ly, giám sát, phát hiện sớm và chuyển bệnh nhân COVID-19.

Để làm được điều này, với sự góp ý của các thành viên Đoàn công tác Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê  đề nghị  Bệnh viện thực hiện phân luồng ngay từ cổng; biển báo dễ nhận biết từ cổng để người có triệu chứng và người đi từ vùng dịch tễ đến đúng địa điểm. Bên cạnh đó, Phòng khám sàng lọc cách ly cần được thông khí, bố trí chỗ rửa tay; khai thác kỹ yếu tố dịch tễ ngày càng mở rộng như hiện  nay.

Với trường hợp BN 237 có mặt 2 lần tại bệnh viện, Đoàn công tác đề nghị Bệnh viện Việt Pháp rút kinh nghiệm, Bệnh viện càng cảnh giác và phòng ngừa tốt, càng bảo vệ bệnh viện khỏi những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

22 nhân viên y tế Bệnh viện Việt Pháp có kết quả âm tính, tiếp tục cách ly

Đại diện Bệnh viện Việt Pháp cũng cho biết, ngày 3/4, sau khi Bộ Y tế công bố về ca mắc COVID-19 thứ 237 là người Thụy Điển, bệnh viện đã lập danh sách và cách ly các nhân viên y tế, điều dưỡng và hành chính khoa Cấp cứu của bệnh viện có tiếp xúc với bệnh nhân này.

Đến sáng nay 4/4, 22 nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân người Thụy Điển mắc COVID-19 (BN 237) đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, bệnh viện cũng cho biết, những nhân viên này đều được cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với bệnh nhân.

Kiểm tra tại BV Bưu điện, một bệnh viện ngành, Đoàn công tác đã góp ý khu vực phân luồng, sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19 của bệnh viện.

Hiện Bệnh viện Bưu điện có 2 cơ sở ở Định Công gần với khu dân cư và cơ sở ở phố Huế. Trong đó, khoa thận lọc máy của bệnh viện đang điều trị cho 110 người bệnh thận nhân tạo, trong đó có 30 người bệnh thuê nhà tại xóm thận Bạch Mai- phố Lê Thanh Nghị cùng với 100 bệnh viện của bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân này đều được tổ chức sàng lọc COVID-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng các thành viên đề nghị bệnh viện thực hiện nghiêm hướng dẫn tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp cấp tại cơ sở y tế theo Công văn số 1385/BCĐQG. Bênh viện tuân thủ nghiêm trong việc sử dụng khẩu trang y tế, găng tay và các phương tiện phòng hộ cá nhân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê kiểm tra quy trình phân luồng, sàng lọc , tiếp đón bệnh nhân trong phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bưu Điện

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các bệnh viện không được lơ là bởi tất cả những người vào viện đều có nguy cơ nhiễm bệnh, mang nguồn bệnh từ bên ngoài vào vì vậy việc đầu tiên là các bệnh viện phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ và khoảng cách giữa người đến khám như theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế.

Các Bênh viện tuân thủ nghiêm trong việc sử dụng khẩu trang y tế, găng tay và các phương tiện phòng hộ cá nhân. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kế hoạch đáp ứng phòng chống dịch trong giai đoạn mới; bố trí nhân lực để bảo toàn nhân lực y tế bệnh viện đáp ứng chống dịch lâu dài. Bệnh viện phải thực hiện giãn cách người bệnh; giảm mổ phiên, chỉ thực hiện mổ cấp cứu; khai thác dịch tễ cẩn thận và kiểm soát người ra vào bệnh viện…


Lê Hảo- Thái Bình
Ý kiến của bạn