Phân loại tốt chất thải y tế, góp phần xây dựng môi trường y tế an toàn, sạch, đẹp

19-09-2018 15:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai cơ sở y tế “Xanh, sạch, đẹp” tại tất cả các cơ sở y tế trong toàn quốc, một trong các nội dung của kế hoạch này là quản lý chất thải y tế. Để góp phần làm cho các cơ sở y tế ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, an toàn và thân thiện với môi trường, mỗi nhân viên y tế, mỗi người bệnh và người nhà người bệnh cần tuân thủ tốt quy trình phân loại chất thải y tế.

Chất thải y tế (CTYT) là các loại chất thải phát sinh từ cơ sở y tế trong quá trình thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh, dự phòng, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Có tới 80 - 90 % chất thải y tế là không nguy hại, chỉ có 10 - 20% chất thải y tế là nguy hại.

Chất thải y tế không nguy hại

Chất thải y tế thông thường:  Là các loại như thức ăn thừa, vỏ hoa quả, vỏ bánh kẹo, túi ni lon, lá cây, giấy rác từ các khu vực ngoại cảnh...; dược phẩm, hóa chất (không chứa thành phần nguy hại) thải bỏ hoặc hết hạn sử dụng... được coi là các chất thải y tế thông thường. Các loại chất thải này được chứa trong các thùng đựng chất thải có màu xanh lá cây.

Chất thải tái chế: Là các loại như vật liệu giấy (giấy, báo, bìa, thùng carton, vỏ hộp thuốc...), vật liệu nhựa (chai, lọ đựng thuốc không chứa thành phần nguy hại, chai nước giải khát…), vật liệu thủy tinh (chai, lọ đựng thuốc không chứa thành phần nguy hại), vật liệu kim loại (lon nước giải khát, vỏ hộp sữa... không chứa thành phần nguy hại. Các loại chất thải này được chứa trong thùng đựng chất thải có màu trắng.

Các loại thùng đựng chất thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Các loại thùng đựng chất thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Chất thải y tế nguy hại

Chất thải nguy hại không lây nhiễm: Là các loại như dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; hóa chất thải bỏ có thành phần nguy hại; thiết bị y tế vỡ, hỏng có chứa thủy ngân hoặc các kim loại nặng, bóng đèn huỳnh quang vỡ, hỏng, pin, ắc quy thải loại...; chất hàn răng amalgam thải bỏ; thuốc điều trị ung thư (hóa trị); các loại chất thải nguy hại khác như dầu mỡ thải, giẻ lau các chất độc hại, mực máy in... Các loại chất thải này được chứa trong thùng đựng chất thải có màu đen.

Chất thải lây nhiễm:

- Chất thải lây nhiễm sắc nhọn như: kim tiêm, bơm kim tiêm, đầu nhọn dây truyền, kim chọc dò, kim châm cứu, lam kính, lưỡi dao mổ…có chứa dịch máu hoặc dịch sinh học cơ thể... Các loại chất thải này cần được thu gom vào hộp nhựa hay hộp carton màu vàng.

- Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: bông băng dính máu, cốc đựng dịch, đờm, ống nghiệm chứa máu, mẫu bệnh phẩm... Các loại chất thải này được chứa trong thùng đựng chất thải có màu vàng.

- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: mẫu bệnh phẩm, ống xét nghiệm, đĩa hoặc cốc đựng bệnh phẩm, các vật dụng nuôi cấy, lưu trữ các tác nhân lây nhiễm... Các loại chất thải này cần được xử lý sơ bộ tại nơi phát sinh bằng cách nếu hấp ướt hoặc vi sóng sẽ được đựng trong các thùng đựng chất thải có màu xanh lá cây, nếu ngâm vào hóa chất thì sau đó sẽ được đựng trong các thùng đựng chất thải có màu vàng.

Trong quá trình khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, người bệnh và người nhà người bệnh cũng làm phát sinh chất thải y tế và có trách nhiệm bỏ các chất thải y tế vào đúng nơi quy định. Không vứt chất thải nguy hại vào thùng chứa chất thải thông thường (thùng màu xanh). Và ngược lại không vứt chất thải thông thường vào thùng chứa chất thải nguy hại (thùng màu vàng và màu đen).

Chất thải y tế thông thường - thùng màu xanh lá cây.

Chất thải tái chế - thùng màu trắng.

Chất thải nguy hại không lây nhiễm - thùng màu đen.

Chất thải lây nhiễm - hộp nhựa hay hộp carton màu vàng, thùng màu xanh lá cây hoặc màu vàng.


Mai Hương
Ý kiến của bạn