Mỗi ngày, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM thải ra hàng nghìn tấn chất thải rắn các loại đang là mối quan tâm lớn nhất với nhiều hiểm họa về môi trường. Việc phân loại rác thải tại nguồn đã manh mún xuất hiện từ hàng chục năm trước, nhưng thực tế thì lực lượng “đồng nát, ve chai” lại đang là “trụ cột” giúp… phân loại các thứ rác này chứ không phải người dân. Để phổ biến việc phân loại rác tới từng hộ dân, xem ra còn khá nan giải…
Thí điểm không hiệu quả
Tạo được một thói quen cho người dân đã khó, khó hơn nữa là phải tạo được sự thuận lợi để người dân tuân thủ dễ dàng. Chương trình thí điểm về phân loại chất thải rắn tại nguồn ở TP.HCM triển khai từ năm 1999 thí điểm ở một số quận, huyện. Tại Hà Nội cũng khoảng thời gian ấy, thế nhưng gần 20 năm qua đã không mang lại hiệu quả nào.
Là bởi ngoài việc thí điểm ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Do đó, toàn bộ văn bản pháp quy, chính sách và tài chính hỗ trợ gần như không có. Bên cạnh đó, các thành phố lớn còn thiếu cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý, vừa thiếu tài chính hỗ trợ, nguồn nhân lực thực hiện. Trong các chương trình thí điểm, toàn bộ túi ni lông và thùng đựng chất thải rắn sau khi phân loại đều do ngân sách thành phố hoặc dự án chi trả nên sau khi chương trình thí điểm kết thúc, ngân sách thành phố rất khó bù đắp được (ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm).
Cần có hạ tầng thu gom tiện lợi để người dân có thói quen phân loại rác thải ngay tại nguồn.
Hàng chục năm trước đây, ở TP.HCM đã hình thành và phát triển tự phát một mạng lưới phân loại, thu gom, thu mua và tái chế các loại phế liệu từ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế và xây dựng. Cho đến thời điểm trước khi có chương trình thí điểm đầu tiên về phân loại chất thải rắn tại nguồn (năm 1999), TP.HCM đã có khoảng 16.000 - 18.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực “ve chai”, trong đó có khoảng hơn 5.000 lao động (tư nhân, hợp tác xã và các công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận huyện) vừa thực hiện công tác thu gom chất thải rắn tại các nguồn thải vừa phân loại và bán các loại phế liệu cho các vựa thu mua. TP.HCM cũng có mạng lưới các cửa hàng (vựa) thu mua phế liệu, phân loại lần hai và tái chế dày đặc với số lượng khoảng 1.100 - 1.200 cơ sở. Số lao động trong các cơ sở lên đến 11.000 - 12.000 người. Các cơ sở này tập trung ở các quận 5, 6, 11, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú.
Ngoài hai dạng trên còn có một lượng người phân loại chất thải rắn đô thị trong các túi plastic để dọc đường, thu mua phế liệu từ các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, xây dựng… lên 1.000 - 1.200 người, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm.
Tuy nhiên, hầu hết việc xử lý của các lực lượng này là tự phát, không đảm bảo và không thấm tháp vào đâu so với lượng thải ra.
Thành phố quyết tâm vào cuộc
Sau một thời gian triển khai thí điểm tại quận 1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tiếp tục mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn ở những khu vực công cộng như trường học, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị từ năm 2017 trở đi.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2020, chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ thực hiện trên địa bàn 24 quận huyện toàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố.
Trước mắt, trong năm 2017, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường học, các khu vực vui chơi giải trí như Thảo Cầm Viên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, các bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị… sẽ triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Các chất thải theo đó sẽ được phân thành 3 loại gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng và tái chế, chất thải còn lại. Sau khi phân loại được vận chuyển đến hai khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (Củ Chi) và Khu liên hợp Đa Phước (Bình Chánh). Tại những nơi này, các đơn vị xử lý chất thải sẽ tiếp nhận, xử lý riêng các nhóm chất thải rắn sau phân loại theo công nghệ xử lý đã cam kết với thành phố.
Để người dân thuận tiện trong phân loại rác tại nguồn, thành phố đã bố trí các thiết bị chứa, phương tiện thu gom và các phương án thu gom ở từng khu vực. Chương trình phân loại rác tại nguồn của TP.HCM nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Điều này sẽ kéo giảm áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách chi phí cho xử lý rác thải, đặc biệt là giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra.
Thực tế cho thấy, chương trình chỉ có thể thành công nếu tạo được điều kiện về hạ tầng thu gom thuận lợi cho bà con, song song với việc tuyên truyền, xử phạt thường xuyên để tạo một thói quen, ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường từ mỗi người dân.