Hà Nội

Phân loại nghe kém, các giải pháp hỗ trợ thính giác phù hợp

29-08-2022 08:00 | Y học 360
google news

Hiện nay trên thế giới có tới 466 triệu người có liên quan suy giảm sức nghe và con số này sẽ tăng theo thời gian. Do đó nhu cầu cần được can thiệp, hỗ trợ về mặt thính giác là rất lớn. Tùy theo tổn thương ở từng vùng của tai, cũng như mức độ nghe kém mà có những lựa chọn phù hợp.

Sơ bộ về cấu trúc giải phẫu, sinh lý nghe

Giải phẫu tai:

Tai có cấu tạo phức tạp, được chia làm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa, tai trong. Tai ngoài gồm vành tai, ống tai ngoài và kết thúc ở mặt ngoài màng nhĩ. Tai giữa bao gồm có hòm nhĩ, vòi eustachia, hệ thống các tế bào chum. Tai trong gồm: Tiền đình, ống bán khuyên, ốc tai có các cơ quan corti: tế bào thần kinh thính giác, tế bào đệm và màng mái (membrana tectoria). Các sợi của dây thần kinh loa đạo bắt nguồn từ chung quanh tế bào thính giác, đi về phía trụ ốc, tập trung vào các hạch Corti hay hạch xoắn ốc nằm trong ống xoắn Rosenthan. Từ đó tập trung thành thần kinh ốc tai chạy trong ống tai trong dẫn truyền các tín hiệu thần kinh của âm thanh tới vỏ não.

Phân loại nghe kém, các giải pháp hỗ trợ thính giác phù hợp - Ảnh 1.

Cấu tạo tai người

Sinh lý nghe:

Trong mấy năm gần đây, sự hiểu biết về chức năng nghe có nhiều tiến bộ lớn cụ thể về tai giữa và một phần của tai trong. Vành tai, ống tai ngoài hứng, định hướng âm thanh môi trường tác động lên màng nhĩ, âm thanh sẽ được truyền lên chuỗi xương con: xương búa, xương đe, xương bàn đạp. Qua khớp bàn đạp tiền đình âm thanh cơ học tác động trực tiếp và cơ quan corti ở ốc tai. Tới đây cơ chế dẫn truyền chấm dứt thay vào đó là cơ chế điện sinh học. Rung động cơ học thay đổi chuyển động của ngoại dịch, nội dịch tai trong sẽ tác động lên tế bào thần kinh thính giác, sự thay đổi các hiệu điện thế ở đây sẽ biến đổi các tín hiệu âm thanh dưới dạng cơ học thành tín hiệu thần kinh truyền qua các nơron hướng tâm về vùng thính giác ở thùy thái dương của vỏ não.

Phân loại tai nghe kém, phân loại mức độ nghe kém

Phân loại nghe kém:

Phụ thuộc vùng tổn thương của tai:

- Nghe kém dẫn truyền (conductive hearing loss): Tổn thương tai ngoài, tai giữa.

- Nghe kém tiếp nhận (sensorineural hearing loss): Tổn thương tai trong.

- Nghe kém hỗn hợp (mixed hearing loss): Tổn thương tai giữa phối hợp tai trong.

Theo thời gian:

- Nghe kém bẩm sinh

- Nghe kém mắc phải

Nghe kém có thể xuất hiện ở một bên hoặc hai bên tai.

Phân loại theo mức độ nghe kém: Phân loại theo khả năng nghe đơn âm (dB)

Phân loại theo hiệp hội nghe – ngôn ngữ - lời nói Hoa Kỳ (ASHA-1981):

Mức độ nghe kém

Khoảng mất sức nghe (dB HL)

Bình thường

-10 – 15

Rất nhẹ

16 – 25

Nhẹ

26 – 40

Trung bình

41 – 55

Trung bình nặng

56 – 70

Nặng

71 – 90

Sâu

91+

Phân loại theo tổ chức y tế thế giới:

Mức độ nghe kém

Khoảng mất sức nghe (dB)

Bình thường

<= 25 dB

Nhẹ

26-40 dB

Trung bình

41-60 dB

Nặng

61-80 dB

Sâu

>80 dB

Các giải pháp hỗ trợ thính giác

Hiện nay trên thế giới có tới 466 triệu người có suy giảm sức nghe và con số này sẽ tăng theo thời gian. Theo dự báo 2030 có tới 630 triệu người, 2050 có tới 900 triệu người có các vấn đề về thính giác. Do đó nhu cầu cần được can thiệp, hỗ trợ về mặt thính giác là rất lớn. Tùy theo tổn thương ở từng vùng của tai, cũng như mức độ nghe kém mà có những lựa chọn phù hợp.

Nếu tổn thương ở tai ngoài, tai giữa: Như các bệnh lý viêm tai ngoài, viêm tai giữa, dị dạng chuỗi xương con... có thể điều trị bằng thuốc cũng như can thiệp phẫu thuật giải quyết bệnh tích, khắc phục tổn thương.

Nếu tổn thương tai trong: Tổn thương cấp tính có thể điều trị nội khoa cấp cứu trong các biểu hiện điếc đột ngột.

Theo các mức độ nghe kém: Nghe kém mức độ trung bình có thể sử dụng các thiết bị trợ thính hỗ trợ. Máy trợ thính các hoạt động theo cơ chế khuếch đại âm thanh, nên trong các trường hợp điếc nặng hiệu quả hạn chế, hoặc với các âm lời nói tần số cao cũng không có tác dụng tốt.

Trong những trường hợp không đáp ứng máy trợ thính do có vấn đề về khả năng hiểu lời, hoặc điếc nặng, điếc sâu cả hai thì lựa chọn cấy điện cực ốc tai là giải pháp tốt nhất. Đây là thành tựu nổi bật của khoa học kỹ thuật thế kỉ XXI, cho phép thay thế hoàn toàn ốc tai bị tổn thương bằng ốc tai điện tử. Gồm hai phần: Thiết bị cấy bên trong (implant) và bộ xử lý âm thanh đeo tai ngoài. Bộ xử lý âm thanh thu âm thanh từ môi trường, xử lý thành tính hiệu điện tử kích thích thần kinh thính giác thông qua dãy điện cực của ốc tai điện tử. Hiện nay trên thế giới chỉ định này ngày càng mở rộng về mức độ nghe kém, cũng như lứa tuổi nghe kém.

Phân loại nghe kém, các giải pháp hỗ trợ thính giác phù hợp - Ảnh 4.

Cấy điện cực ốc tai là giải pháp dành cho những trường hợp không đáp ứng máy trợ thính

Đối với trẻ em điếc bẩm sinh nên được mổ càng sớm càng tốt trong điều kiện gây mê an toàn. Năm 2020, FDA đã cho phép phẫu thuật cho trẻ 12 tháng tuổi, tại Nhật đã tiến hành phẫu thuật cho trẻ 9 tháng tuổi. Tại Việt Nam, chúng tôi đã phẫu thuật cho trẻ 6 tháng tuổi nghe kém sau viêm màng não an toàn.

Người lớn không có giới hạn độ tuổi, vì nhu cầu về chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Nếu trong trường hợp nghe kém sau ngôn ngữ nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt sẽ có khả năng nghe lại được ngôn ngữ lời nói càng nhanh.

Trong trường hợp điếc nặng, sâu một bên hoặc các dị tật không có ống tai ngoài có nghe kém, ống tai quá nhỏ, cơ địa chàm ống tai thì công nghệ hiện đại có thể cung cấp cấy thiết bị trợ thính đường xương (BAHA – Bone anchored hearing aid).


PV
Ý kiến của bạn