Phân loại chất thải y tế ngay từ nguồn phát sinh để có biện pháp xử lý đúng

28-07-2024 14:39 | Xã hội

SKĐS - Theo thống kê tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, mỗi ngày, lượng chất thải nguy hại lây nhiễm không sắc nhọn được thu gom tại đây lên đến 110kg, cao gấp nhiều lần các loại chất thải khác.

Ông Lê Nho Khuê - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện hiện gắn liền với hoạt động của 4 tổ: Giám sát, Khử khuẩn - Tiệt khuẩn, Giặt là, Quản lý chất thải. Nếu như Tổ giám sát có nhiệm vụ tham mưu xây dựng, ban hành quy trình, quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn; giám sát lại việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng; phối hợp với các khoa, phòng trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; đào tạo, chỉ đạo tuyến về kiểm soát nhiễm khuẩn; thì Tổ Khử khuẩn - tiệt khuẩn thực hiện việc quản lý, xử lý dụng cụ y tế bảo đảm cung cấp dụng cụ vô khuẩn cho các khoa, phòng. 

Tổ Giặt là có nhiệm vụ bảo đảm khử khuẩn cho đồ vải; trong khi đó Tổ Quản lý chất thải thực hiện phân loại, thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế và vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh nội ngoại cảnh, phun hoá chất khử khuẩn, diệt côn trùng; bảo đảm hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường…

Về chất thải y tế, nhân viên phụ trách quản lý chất thải, anh Nguyễn Bá Trường, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: Công tác quản lý chất thải được chia làm 2 mảng: Quản lý chất thải rắn và quản lý chất thải lỏng. Trong đó, chất thải rắn y tế thông thường được xử lý như chất thải sinh hoạt; còn chất thải rắn y tế nguy hại gồm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn (kim tiêm…), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, cồn, gạc…), chất thải giải phẫu (chủ yếu là nhau thai), chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (chủ yếu phát sinh từ khoa truyền nhiễm và xét nghiệm), chất thải nguy hại không lây nhiễm (pin, mực máy in, can lọ đựng hoá chất và gây độc tế bào…) tuy không có khả năng truyền bệnh nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Về công tác quản lý chất thải lỏng, ngoài nước mưa thu gom vào hệ thống nước chảy tràn riêng biệt, tất cả nước thải phát sinh còn lại được thu gom từ các khoa, phòng và chảy vào hệ thống xử lý nước thải chung của bệnh viện. Từ bể điều hoà chung toàn bệnh viện, các loại chất thải này sẽ được tank xử lý, nước sau khi khử trùng sẽ chảy vào hệ thống thoát nước của thành phố.

Phân loại chất thải y tế ngay từ nguồn phát sinh để có biện pháp xử lý đúng- Ảnh 1.

Chất thải lây nhiễm được Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh bàn giao cho đơn vị xử lý chất thải y tế.

Theo thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ngày tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh có gần 160 kg chất thải nguy hại lây nhiễm được thu gom. Trung bình hằng năm, tại đây có khoảng nửa tấn chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom để xử lý. Ở giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đặc biệt tăng cao như các tháng 5,6,7 năm 2021, lượng chất thải lây nhiễm tăng vọt, đơn vị thu gom khoảng 100kg mỗi ngày và chủ yếu phát sinh tại khu thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tại khoa Bệnh Nhiệt đới - tiêu hóa Nhi. Lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trung bình 160m3/tháng, hệ thống nước thải phải xử lý khoảng 130m3/ngày đêm.

Do đặc thù về đối tượng bệnh nhân là thai phụ, sản phụ, trẻ em nên Bệnh viện Sản - Nhi phát sinh nhiều rác thải nguy hại không lây nhiễm như (bỉm, băng vệ sinh) và chất thải giải phẫu (nhau thai).

Theo thống kê, mỗi ngày, lượng chất thải nguy hại lây nhiễm không sắc nhọn được thu gom tại đây lên đến 110kg, cao gấp nhiều lần các loại chất thải khác.

Mỗi ngày có gần 160kg chất thải nguy hại lây nhiễm được thu gom, nghĩa là mỗi tháng sẽ có khoảng gần 5 tấn chất thải này được công ty xử lý chất thải y tế mang đi. Khoảng 1/3 trong số đó là chất thải nhựa, bao gồm cả bơm kim tiêm, dây truyền, chai dịch truyền, dụng cụ thông tiểu... là những sản phẩm liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Đến nay, sau khi lò đốt của bệnh viện được sửa chữa, mỗi tháng có khoảng 100kg chất thải y tế được xử lý tại chỗ, chủ yếu là chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, công tác thu gom, xử lý chất thải được phân biệt qua màu sắc túi chứa rác, thùng chứa rác cũng thể hiện thông tin cơ bản về loại chất thải được phân loại, như: Tất cả chất thải lây nhiễm được đựng trong thùng, túi màu vàng; rác thải sinh hoạt chứa đựng trong túi, thùng màu xanh; túi màu trắng chứa đựng chất thải có thể tái chế, còn túi màu đen là chất thải nguy hại không có nguy cơ lây nhiễm.

Màu sắc thùng rác, túi đựng rác được quy định cụ thể là yếu tố cần thiết để các loại rác thải y tế được phân loại chính xác ngay tại nguồn.

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được hiểu là ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, virus trong cơ sở y tế. Việc phân loại chất thải y tế ngay từ nguồn phát sinh để có biện pháp xử lý đúng, khoa học cần được thực hiện nghiêm để bảo vệ sức khoẻ của chính nhân viên y tế và cộng đồng.


PV
Ý kiến của bạn