Phận đời trong mùa bông điên điển

20-09-2014 13:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tháng 8 âm lịch, miền Tây Nam Bộ, khi con nước tràn đồng cũng là lúc những chồi bông điên điển bắt đầu xuất hiện vàng rực

Tháng 8 âm lịch, miền Tây Nam Bộ, khi con nước tràn đồng cũng là lúc những chồi bông điên điển bắt đầu xuất hiện vàng rực, lấp ló, ngả nghiêng theo chiều con nước lũ. Cuộc sống mưu sinh của người dân sông nước miền Tây cũng bắt đầu với nhiều nghề kiếm sống từ chính dòng nước lũ này.

Vui buồn mùa lũ

Đến Châu Đốc (An Giang) mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức tô bún nước lèo độc đáo. Tô bún ở đây cũng giống như tô bún nước lèo ở Sóc Trăng hoặc tô bún mắm ở Cần Thơ nhưng rau thì khác. Nếu như ở những địa phương trên, người ta ăn bún với rau ghém được làm bằng giá, hẹ, bắp chuối xắt nhuyễn thì ở Châu Đốc, bạn sẽ được thưởng thức hương vị lạ kỳ của chỉ độc một loại bông điên điển mà thôi. Muốn có phong vị thời khẩn hoang, người ta nấu một nồi mắm kho, nhúng bông điên điển cùng một vài loại rau sống khác. Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) trôi dạt xuống sông Tiền, sông Hậu. Nấu một cái lẩu cá linh với me sống (hoặc chanh) vừa chua, người địa phương chỉ nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào.

Hái bông điên điển.

Hái bông điên điển.

Bà Nguyễn Thị Chon (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn. Bây giờ, bông điên điển cũng trở thành một loại rau được các nhà hàng săn lùng mua về và hái bông điên điển trở thành một nghề. Bà Chon cho biết thêm: Hiện tại, giá bông điên điển bán ở chợ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nếu chịu khó chèo thuyền ra ngoài bãi từ sớm hái bông cũng kiếm được vài ba ký, dù không nhiều song cũng đủ tiền cá mắm trong gia đình và lo cho bọn trẻ đi học.

Theo chiều con nước lớn tràn đồng, ngoài việc hái bông điên điển bán thì đây cùng là mùa của cá linh non - loại cá mà theo người dân xứ này nấu rất ngon khi kèm với bông điên điển. “Bèo như con cá linh”, câu ví von quen thuộc của người dân vùng lũ thượng nguồn ngày nào giờ lại nghe gượng gạo bởi giờ đây, cá linh cũng được săn bắt ráo riết. Đang mùa lũ, nhưng giá cá linh ở các chợ lớn tại TP. Long Xuyên (An Giang) lên đến 180.000 đồng/kg, những người khá giả mới mua nổi. Cá linh ngày càng khan hiếm cũng một phần vì bây giờ mùa lũ về thường chậm lại rút rất nhanh, công việc cũng vì thế mà bị đảo lộn. Ông Nguyễn Văn Sính (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Cả đời sống bằng nghề bắt cá linh, ở cồn Cốc, nhìn ngược dòng sông Hậu, ngóng về thượng nguồn lắc đầu: Mùa lũ mọi năm, ngày nào tui cũng bắt được cả mấy trăm kg cá linh, bán 2 ngàn rưỡi đồng/kg cũng kiếm gần nửa triệu bạc chứ chẳng chơi. Giờ lũ kiệt, nước chẳng ngập đồng nên phải mần bắp chứ trồng thứ này chẳng biết có được cơm cháo gì không?

Thấp thỏm một làng nghề

Cùng với các làng nghề đặc trưng phục vụ cho làm ăn mùa nước nổi, làng nghề làm lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đang rất nhộn nhịp vào mùa đón lũ năm 2014. Song cùng với sự biến đổi của nhu cầu thị trường, làng nghề cũng lắm thăng trầm và có dấu hiệu chững lại. Theo ước tính, cả làng hiện có gần 200 hộ theo nghề với khoảng 500 - 600 lao động. Gọi là làng bởi nghề này hình thành hơn 60 - 70 năm nay, nam cũng như nữ, ở nhiều độ tuổi đều có thể làm được. Nghề thủ công này giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh Nguyễn Thanh Hồng (phường Mỹ Hòa - Long Xuyên - An Giang) cho biết: Mỗi ngày, tôi làm được 1 muôn, tức là khoảng 10 ngàn lưỡi câu. Làm công đoạn này thì mỗi ngày tôi thu nhập được khoảng 120 ngàn đồng. Lưỡi câu chủ yếu làm được 6 tháng mùa nước nổi thôi. Những tháng khác mình làm câu biển nhưng số lượng ít”.

Thợ làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa.

Thợ làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa.

Từ chỗ gặp khó khăn về nguyên liệu và thủ công trong việc sản xuất, nay làng nghề đã chủ động hoàn toàn và ứng dụng máy móc 70 - 80% công đoạn cho thành phẩm. Song, do nhu cầu chủng loại và thị trường tiêu thụ khiến người dân không khỏi băn khoăn.

Bây giờ, con nước lũ về không còn theo quy luật nữa, tôm, cá không nhiều như những năm trước, phương thức móc câu bắt cá cũng khó tìm đất sống. Sản phẩm bán không chạy, các cơ sở hoạt động cầm chừng khiến nhiều tay thợ không có việc làm, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, phần lớn thợ lưỡi câu chuyển qua làm những việc khác. Làng nghề làm lưỡi câu khó tìm lại thời hoàng kim.

Những chú cá linh non được đánh bắt.

Những chú cá linh non được đánh bắt.

Lũ không về đã làm đời sống người dân vùng sông nước vốn quen “sống chung với lũ” bị xáo trộn. Ngoài đồng vắng bóng ghe xuồng giăng câu, lưới cá. Hình ảnh những người dân nghèo len lỏi theo các cánh đồng ngập lũ hái bông điên điển - một loại đặc sản miền Tây - cũng trở nên hiếm. Nhiều người nói thiếu lũ, điên điển “buồn” chẳng trổ bông quả cũng không sai. Nỗi niềm đó càng cồn cào tại các làng nghề chốn sông nước miền Tây. 

Bài, ảnh: Cao Văn Chu

 


Ý kiến của bạn