Hà Nội

Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe

04-12-2017 16:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Mới đây, Ban chấp hành Trung ương ban hành đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới. Qua đó, sức khỏe của người dân sẽ được quản lý, chăm sóc, nâng cao cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

Những mục tiêu đến năm 2030

Trong nghị quyết này, Ban chấp hành Trung ương cũng đề ra những mục tiêu đến năm 2030 về chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân:

- Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt khoảng 75 tuổi.

- Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm.

- Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe.

- Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.

- Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe.

Làm gì để đạt được những mục tiêu trên?

Để đạt được mục tiêu trên, cùng với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, thường xuyên đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khoẻ như môi trường, thể dục, thể thao, văn hóa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp.

Nghị quyết cũng yêu cầu:

Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.

Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá.

Đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý; Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể. Tăng cường công tác y tế học đường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường tới sức khỏe. Tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp các hệ thống cấp thoát nước; bảo đảm người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; Tăng cường cải tạo, hạn chế san lấp hệ thống kênh rạch, hồ ao; chống lạm dụng hoá chất trong nuôi trồng.

Đối với nhóm nhiệm vụ giải pháp nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, Nghị quyết chủ trương:

- Bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng; Phát triển y học gia đình; Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Đối với nhóm nhiệm vụ giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện, Nghị quyết chủ trương:

- Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước.


Nghị quyết chủ trương nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện.

- Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới.

- Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Nghị quyết cũng chủ trương Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế:

- Bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

- Tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, hoá chất, vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chống thất thoát, lãng phí.

- Quản lý chặt chẽ nhập khẩu thuốc. Củng cố hệ thống phân phối thuốc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc xin. Đầu tư đủ nguồn lực để làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới, vắc xin tích hợp nhiều loại trong một, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mở rộng trong nước, tiến tới xuất khẩu.

- Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.

Đối với nhóm giải pháp phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế, Nghị quyết chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học.

Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế.

Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế. Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Về  đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, Nghị quyết chủ trương tiếp tiếp tục sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp.

Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định để hình thành hệ thống cơ quan kiểm soát dược phẩm và thực phẩm, thiết bị y tế phù hợp, hội nhập quốc tế.

Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.

Về cơ bản, các Bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang Bộ không chủ quản các bệnh viện; Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành. Điều chỉnh, sắp xếp các bệnh viện, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng chủ trương: Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đối với lĩnh vực này; Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết.


N.Hạnh
Ý kiến của bạn