BS CKII Đậu Huy Hoàn, Phó giám đốc Sở y tế Nghệ An cho biết, mặc dù phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng không còn là mới mẻ ở Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên phạm vi toàn quốc. Nhận thức về công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của người khuyết tật, gia đình và xã hội còn hạn chế nên người dân chưa thực sự quan tâm.
“Chính vì vậy, hội thảo này là nơi quy tụ sức mạnh của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương cùng với tập thể các thầy thuốc để nhằm định hướng xác định mục tiêu và giải pháp trong việc xây dựng và phát triển Chương trình mục tiêu Dân số - Y tế về Phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng”, ông Hoàn nói.
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là chiến lược nằm trong sự phát triển cộng đồng về phục hồi chức năng, bình đẳng về cơ hội và hoà nhập xã hội của người khuyết tật. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được triển khai với sự phối hợp chung của chính bản thân người khuyết tật, gia đình và cộng đồng bằng những dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp và xã hội thích hợp.
ThS. Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết, cần cung cấp dịch vụ y tế nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người khuyết tật.
Phát biểu tại hội thảo, ThS. Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết, tăng cường chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng là việc rất cần thiết và phải thực hiện ngay, đồng bộ các giải pháp: Triển khai chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm tới gia đình và cộng đồng, cung cấp dịch vụ y tế thích hợp, tự chăm sóc sức khỏe, tiến tới giảm tỉ lệ thương tật thứ phát, giảm bớt gánh nặng kinh tế của người khuyết tật trong xã hội.
Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua Bệnh viện PHCN Nghệ An luôn quan tâm đến đồng bào ở vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Bệnh viện đã có đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ người bệnh như mời các chuyên gia đầu ngành như GS. TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam; GS TS Nguyễn Văn Chương, nguyên Trưởng khoa Thần kinh, BV 103; Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, thăm khám cho người bệnh, từ đó, dần từng bước đáp ứng được nhu cầu điều trị của người dân trong tỉnh, không phải đi xa để chữa bệnh.
Được biết, theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, hiện nay, Việt Nam có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Nguyên nhân gây nên khuyết tật là do: bẩm sinh; bệnh tật; hậu quả chiến tranh; tai nạn, rủi ro.
Điều đáng chú ý ở nước ta hiện nay, số người khuyết tật vận động có xu hướng gia tăng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và di chứng sau các bệnh: đột quỵ, bệnh lý về thần kinh, xương khớp, bệnh teo cơ…. làm gia tăng số người khuyết tật dạng này mỗi năm tăng từ 30 đến 40 nghìn người; số trẻ tự kỷ cũng gia tăng, hiện nay có tỷ lệ 1/160 em.
Về lĩnh vực y tế, hiện nay đã có 100% số người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo đã được cấp thẻ BHYT, nhiều người khuyết tật đã được phục hồi chức năng, được cấp các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt, như: chân tay giả, xe lăn, xe lắc, xe đạp, máy trợ thính… Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nên nhiều người khuyết tật vẫn khó tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là những người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa.
Chăm sóc người bệnh tại BV Phục hồi chức năng Nghệ An
10 năm trở lại đây chuyên ngành phục hồi chức năng được quan tâm đầu tư. Hầu hết các bệnh viện trung ương, BVĐK tỉnh, thành phố, các viện điều dưỡng…có giường bệnh đã thành lập được khoa phục hồi chức năng hoặc khoa vật lý trị liệu. Các bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng tại các tỉnh được thành lập đã tích cực góp phần phục hồi chức năng các rối loạn chức năng về thần kinh và vận động, các di chứng sau chấn thương, tai nạn.
Nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng tiên tiến, hiện đại được áp dụng. Nhiều người khuyết tật đã có thể tự làm việc, tự nuôi sống bản thân, vươn lên trong cuộc sống.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2020 có 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp; 60% trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện, can thiệp sớm trong đó tập trung đào tạo nhân viên y tế hướng dẫn tập luyện tại cộng đồng; Xây dựng mô hình phục hồi chức năng tại tuyến y tế cơ sở; Sàng lọc phát hiện khuyết tật và nhu cầu phục hồi chức năng cho người khuyết tật;