Hà Nội

Phấn đấu đến năm 2030 đạt 21.000 ha trồng sâm tại Việt Nam

18-09-2023 11:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Quyết định 661/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 nêu rõ, phấn đấu diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2020.

Năm 2045 trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế

Theo đó, Quyết định nêu rõ, mục tiêu cụ thể của giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen Sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; Phấn đấu diện tích trồng Sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030; 100% diện tích trồng Sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).

Phấn đấu đến năm 2030 đạt 21.000 ha trồng sâm tại Việt Nam - Ảnh 1.

Cây sâm Ngọc Linh được nhổ ở vườn ươm trước khi đi trồng. Ảnh: TTXVN.

Định hướng đến năm 2045 phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm lớn trên thế giới.

Phạm vi của Chương trình là các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Tại Quyết định trên cũng nêu rõ, đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa: Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv), Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fiscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai); Đối tượng bảo tồn, gây trồng, phát triển quy mô thử nghiệm: Sâm Lang Biang (Panax vietnamensis var. langbianensis N.V.Duy, V.T.Tran&L.N.Trieu) và Sâm Puxailaileng (Panax sp) ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp.

Quỹ đất dự kiến để gây trồng, phát triển Sâm Việt Nam phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh tại Chương trình này bao gồm: gây trồng, phát triển dưới tán rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo phương thức sản xuất lâm, nông kết hợp theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất trồng cây nông nghiệp.

Tập trung chọn, tạo giống Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT, Bộ Y tế, Bộ KH&CN và UBND các tỉnh trong phạm vi Chương trình triển khai thực hiện đánh giá các loài Sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên thuộc các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên về: phân bố, loài (phân tích gen), diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp.

Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ) nguồn gen cây Sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên, ưu tiên ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài Sâm Việt Nam và xác định vùng trồng thích hợp.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt 21.000 ha trồng sâm tại Việt Nam - Ảnh 2.

Những cây sâm Lai Châu đã được ươm thành công, tạo tín hiệu vui trong việc phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ảnh: TTXVN.

Hình thành các cơ sở sản xuất giống hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô diện tích vùng trồng Sâm Việt Nam phù hợp, đảm bảo hiệu quả, trong đó ưu tiên tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với khả năng cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân khoảng 2.000 ha/năm.

Hoàn thiện các quy trình sản xuất giống và quy trình canh tác Sâm Việt Nam phục vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn gốc giống Sâm Việt Nam đảm bảo hợp pháp theo quy định hiện hành.

Gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam với diện tích khoảng 21.000 ha, tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của Sâm Việt Nam, quy mô và địa điểm cụ thể được xác định trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.

UBND các tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ VHTT&DL, Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và phát triển sản phẩm Sâm Việt Nam trong nước và quốc tế. Tổ chức triển lãm giới thiệu các sản phẩm Sâm Việt Nam gắn với phát triển làng du lịch cộng đồng thông qua tổ chức các lễ hội văn hóa Sâm hằng năm để quảng bá nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi tại 3 tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu; Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Sâm Việt Nam trong nước và quốc tế…

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừngNhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

SKĐS - Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã triển khai mô hình trồng dược liệu quý dưới tán rừng đạt hiệu quả cao, đặc biệt tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn