Mức sinh cao làm dân số tăng quá nhanh, nhưng mức sinh thấp dưới mức thay thế sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số quá sớm, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội bất cập. Hệ lụy sẽ càng nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển, mới đạt mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam.
Hơn nữa, kinh nghiệm nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho thấy, mức sinh khi đã giảm sâu dưới mức thay thế thì rất khó tăng trở lại, ngay cả khi áp dụng những chính sách khuyến sinh rất tốn kém.
Mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế trong hơn 10 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển; trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.
Hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội,...
Nhưng bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.
Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 40,6 triệu người, chiếm 42,2% dân số cả nước, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục,…, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.
Như vậy, việc duy trì mức sinh thay thế có vai trò quan trọng trong việc ổn định quy mô, chất lượng, cơ cấu dân số.
Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng năm 2011 đã thay đổi quan điểm từ giảm sinh sang duy trì mức sinh hợp lý. Đến năm 2016, quan điểm duy trì mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số đã được thể hiện rõ qua Kết luận số 119/KL-TW, ngày 4-1-2016, của Ban Bí thư "Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình": "Duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý". Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp".
Để duy trì mức sinh thay thế nhằm ổn định tại các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, các chuyên gia cho rằng cần vào cuộc của toàn bộ hệ thống từ người dân đến các cấp chính quyền về công tác dân số. Đồng thời có các chính sách, biện pháp cụ thể và thiết thực với người dân nhằm động viên, khuyến khích sinh và giảm sinh phù hợp với từng vùng.
Cụ thể, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số: Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Vận động tuyên truyền: Theo nội dung khuyến khích, động viên những khu vực đô thị hoặc bất kỳ địa phương, vùng miền nào có mức sinh thay thế thấp, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con.
Ngược lại, ở những vùng có mức sinh cao cần vận động, tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, thậm chí quyết liệt để giảm mức sinh thay thế bởi đây cũng là một biện pháp cơ bản để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cả cộng đồng. Các vận động như không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con.
Ở các vùng sinh thấp, nội dung tuyên truyền, vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; đối với gia đình và chăm sóc bố, mẹ khi về già. Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.
Ngoài ra, một số giải pháp cũng cần được quan tâm như chú trọng nguồn lực, cán bộ dân số cũng như những văn bản, chính sách pháp luật cùng với tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ cho việc duy trì mức sinh ở mức hợp lý.