Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

22-12-2017 07:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Tọa đàm chính sách pháp luật về Bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm làm rõ những kết quả đạt được cũng như chỉ ra các vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.

Theo Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) Ngũ Duy Anh, BHYT là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và chia sẻ cộng đồng sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, công tác BHYT học sinh, sinh viên luôn được chú trọng và thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của ngành bảo hiểm xã hội và ngành giáo dục cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện BHYT học sinh, sinh viên không chỉ là quyền lợi về sức khỏe đối với người đang theo học mà còn có ý nghĩa giáo dục về trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng tinh thần tương thân tương ái “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Thực tế cho thấy, Quỹ BHYT đã giúp chi trả các chi phí khám, chữa bệnh cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT khi không may bị thương tích, đau ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Đồng thời, nguồn kinh phí trích lại 7% từ số thu BHYT học sinh, sinh viên là nguồn tài chính quan trọng đối với hoạt động y tế trường học, giúp các nhà trường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên.

Học sinh tìm hiểu về chính sách BHYT.

Học sinh tìm hiểu về chính sách BHYT.

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nguồn quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của y tế trường học với khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 18%.

Hiện nay, học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao nhất, là đối tượng có tỉ lệ tham gia cao nhất trong nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Theo đó, tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng đáng kể, từ 70% năm học 2010 - 2011 lên 92,5% năm học 2016 - 2017, tương ứng khoảng 15,9 triệu học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7,5% số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân do nhận thức của bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với học sinh, sinh viên nói riêng. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm khi triển khai BHYT học sinh, sinh viên cũng như chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho học sinh, sinh viên.

Theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tiêu được đặt ra đối với ngành giáo dục từ năm học 2017 - 2018 là 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT, các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm phối hợp chặt chẽ ngành bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT cho học sinh, sinh viên

Trước đó, phát biểu tọa đàm với chủ đề “Nâng cao nhận thức và chủ động của sinh viên trong tham gia BHXH, BHYT” do BHXH Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức có sự tham gia của một số chuyên gia và trên 250 sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH nhấn mạnh, với vai trò là đội ngũ trí thức, chủ nhân tương lai của đất nước, các bạn sinh viên, học sinh sẽ là lực lượng tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHYT học sinh, sinh viên. Quan trọng hơn, từ nhận thức và ý thức chủ động tham gia, sinh viên cần lan tỏa đến người thân, gia đình và những người khác trong cộng đồng, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn