Phân công soạn thảo 7 văn bản quy định thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 2.
Theo đó Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm:
- Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết theo Quyết định này;
- Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ;
- Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực về khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo hoặc đề xuất bổ sung văn bản quy định chi tiết.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao phối hợp soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình, ban hành văn bản.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế quy định chi tiết khoản 1 và khoản 3 Điều 108 Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính trong lĩnh vực sự nghiệp công lập, đảm bảo chất lượng, tiến độ có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ, công chức tham gia soạn thảo, chỉnh lý và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thủ tục trình dự thảo văn bản quy định chi tiết bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, tại văn bản này, Chính phủ phân công Bộ Y tế chủ trì xây dựng: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Các văn bản trên trình ban hành trước ngày 15/9/2023.
Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh và trình ban hành Nghị định này trước 15/9/2023.
Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng: Nghị định về khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc lực lượng Vũ trang Nhân dân (trình ban hành trước ngày 15/9/2023); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và việc khám sức khỏe đối với lực lượng Quân đội Nhân dân (trình ban hành trước ngày 15/10/2023).
Bộ Công an chủ trì xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và việc khám sức khỏe đối với lực lượng Công an Nhân dân (trình ban hành trước ngày 15/10/2023).
Đã 68 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19
Bộ Y tế cho biết, có 20 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 7/3, cao nhất trong hơn 2 tuần qua. Trong ngày có 12 bệnh nhân khỏi. Cả nước còn 3 bệnh nhân nặng đang điều trị.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.986 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.489 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.614.802 ca; trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát, hiện có 3 trường hợp bệnh nhân năng đang thở oxy, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 1 ca
Đến nay đã 68 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Đến nay, Việt Nam đã tiêm tổng số hơn 266,4 triệu liều vaccine COVID-19 các loại.