Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng trong nhu mô phổi và phế quản của người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi như:
- Viêm phổi do vi khuẩn
- Viêm phổi do virus
- Viêm phổi do nấm
- Viêm phổi do ký sinh trùng
- Viêm phổi do hóa chất
Trong đó viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma chiếm 20-30% các trường hợp viêm phổi do vi khuẩn gây ra.
Viêm phổi Mycoplasma có lây không?
Viêm phổi Mycoplasma lây qua đường hô hấp đặc biệt trong môi trường nhỏ hẹp, trong phòng kín. Bệnh lây qua giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khi người lành tiếp xúc gần với người bệnh làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma là bệnh viêm phổi không điển hình thường gây bệnh ở người lớn trẻ tuổi và trẻ từ 6-10 tuổi. Tuy nhiên gần đây trường hợp trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm phổi do Mycoplasma đang có xu hướng tăng so với trước. Và với độ tuổi này bệnh nhi có tiên lượng bệnh nặng. Viêm phổi Mycoplasma gần như không xuất hiện ở người già.
BSCKII Nguyễn Văn Hồng thông tin về dấu hiệu của viêm phổi thông thường và viêm phổi do Mycoplasma.
Phân biệt viêm phổi thông thường và viêm phổi Mycoplasma
Viêm phổi Mycoplasma là bệnh viêm phổi do vi khuẩn không điển hình, thường ký sinh ở hầu, họng và đường sinh dục ở người. Khi gặp điều kiện thuận lợi vi khuẩn sẽ bùng phát và gây bệnh. Do đó các triệu chứng trên lâm sàng của bệnh viêm phổi Mycoplasma cũng không điển hình.
Biểu hiện ban đầu bệnh nhân thường sốt, tuy nhiên sốt không quá cao. Kèm theo đó bệnh nhân ho và ho ngày càng tăng, kéo dài. Ban đầu bệnh nhân ho khan sau đó là ho có đờm. Cùng với đó bệnh nhân có thể có các dấu hiệu mệt mỏi, ớn lạnh, có thể đau đầu, buồn nôn. Đối với trẻ em có thể gặp phát ban trên da.
Viêm phổi do vi khuẩn thông thường triệu chứng sẽ rầm rộ hơn viêm phổi Mycoplasma. Bệnh nhân thường sốt cao, ho, xuất hiện khó thở, đau ngực và suy hô hấp nhanh hơn so với viêm phổi Mycoplasma.
Viêm phổi Mycoplasma có nguy hiểm không?
Khi người bệnh có những triệu chứng ban đầu như mệt mỏi, sổ mũi, đau đầu và sốt sau đó xuất hiện cơn ho ngày càng tăng và kéo dài. Trẻ em có thể kèm theo biếng ăn, nôn, phát ban trên da… Lúc này người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Viêm phổi Mycoplasma nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Suy hô hấp.
- Viêm cơ tim, suy tim.
Đối với bệnh nhân mắc viêm phổi Mycoplasma, nếu được chẩn đoán đúng và điều trị đúng cách sẽ có tiên lượng tốt. Tuy nhiên nếu không chẩn đoán và điều trị đúng có thể dẫn tới bệnh nặng và gây ra các biến chứng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, nếu không phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách có thể nguy hiểm tính mạng.
Hiện nay nhiều người thường tìm hiểu thông tin qua mạng để chữa viêm phổi thay vì tới bệnh viện thăm khám hoặc dùng đơn cũ, mượn đơn của người bệnh khác. Đây là hành động không nên vì có thể tiềm ẩn những nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Đặc biệt việc chẩn đoán không đúng, sử dụng kháng sinh sai có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Người bệnh tuyệt đối không tự ý tự điều trị viêm phổi nói chung và viêm phổi Mycoplasma nói riêng.
Nhiều trường hợp bệnh nhân ở các lứa tuổi tự ý mua thuốc để điều trị viêm phổi sai cách dẫn tới khó thở, sốt cao , suy hô hấp cần phải nhập viện.
Chăm sóc người bệnh mắc viêm phổi Mycoplasma
Đối với những trường hợp mắc viêm phổi Mycoplasma, người bệnh nên ăn chế độ ăn giàu dinh dưỡng, lựa chọn đồ ăn mềm. Người bệnh có thể chia nhỏ lượng thức ăn ra thành nhiều bữa, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó cần bù đủ nước đặc biệt là với những trường hợp sốt kéo dài. Người bệnh nên uống nước ấm thay vì nước lạnh. Đồng thời cần hạn chế tiếp xúc với khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.
Qua theo dõi, viêm phổi Mycoplasma thường xuất hiện vào lúc giao mùa như xuân hè hoặc cuối hè đầu thu. Lúc này thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn không điển hình Mycoplasma phát triển thuận lợi hơn. Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, chúng ta cần thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng. Đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi từ ngoài đường, nơi đông người quay về nhà. Nếu tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh hoặc người bệnh, cần đeo khẩu trang để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, có thể phòng bệnh bằng cách tiêm chủng đầy đủ cho các đối tượng có nguy cơ mắc cao, đặc biệt là trẻ em, những người mắc bệnh mãn tính. Tránh trường hợp đồng mắc thêm bệnh khác ngoài viêm phổi Mycoplasma.
Xem thêm video được quan tâm:
Nhiều Trẻ Nhập Viện Bạch Mai Do Viêm Phổi M.pneumoniae, Bác Sĩ Khuyến Cáo Gì? I SKĐS