Thực ra đây là hai vị thuốc đông dược có nguồn gốc xuất xứ khác nhau và tác dụng của chúng cũng hoàn toàn khác nhau. Vậy bộ phận dùng làm thuốc của tần bì và trần bì là gì và chúng được dùng trị bệnh như thế nào?
Cây và vị thuốc tần bì.
Tần bì và trần bì được dùng rất phổ biến trong các phương thuốc cổ truyền và đều có bán trên thị trường nước ta. Tần bì họ nhài (Oleaceae); Trần bì họ cam (Rutaceae). Tần bì là vỏ cành, vỏ cây; Trần bì là vỏ quả. Tần bì thuộc nhóm thanh nhiệt táo thấp, chủ yếu dùng trị lỵ và táo kết đại tràng. Còn trần bì thuộc nhóm hành khí, chủ yếu dùng trị trướng khí, khí trệ. Công dụng cơ bản là khác nhau. Tuy nhiên chúng đều có thể dùng trị viêm phế quản.
Tần bì (còn gọi tần bạch bì): bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân hoặc vỏ cành của cây tần bì (Fraxinus rhychophylla Hance.), hoặc đồng danh (Fraxinus chinensis Roxb.), họ nhài (Oleaceae). Tần bì xuất xứ ở Trung Quốc và nhập vào Việt Nam. Thu hái vào mùa xuân, thu, người ta bóc lấy vỏ thân, hoặc vỏ cành cây tần bì đem phơi hoặc sấy khô để làm thuốc. Về mặt hóa học, tần bì chứa các thành phần saponin, coumarin, tanin... Nước sắc tần bì có tác dụng ức chế lỵ trực khuẩn, trực khuẩn phó thương hàn, song cầu khuẩn viêm phổi. Tác dụng ức chế rất tốt với liên cầu khuẩn nhóm A. Glycosid toàn phần của tần bì có tác dụng với lỵ trực khuẩn, cải thiện tuần hoàn huyết dịch. Tần bì còn có tác dụng chống viêm, chỉ ho, trừ đờm, giảm đau.
Theo Đông y, tần bì vị đắng, chát; tính hàn; quy kinh can, đởm, đại tràng; có công năng thanh nhiệt táo thấp, thu liễm, minh mục. Liều dùng chung từ 6-12g.
Trị viêm phế quản: Dùng viên nén tần bì, mỗi viên chứa 0,3g cao chế từ tần bì; mỗi lần uống 2 viên, ngày 2 lần.
Trị ngứa, sần da (ngưu bì điến dẫn đến da bị ngứa và dày lên như da trâu): tần bì 30g, nấu nước rửa hàng ngày.
Trị đại tràng táo kết: tần bì, đại hoàng, mỗi vị 6g, sắc uống ngày 1 thang.
Trị lỵ: tần bì, hoàng bá, mỗi vị 6g, sắc uống ngày 1 thang.
Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae perenne): Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ quả chín đã phơi hoặc sấy khô để lâu năm của cây quýt (Citrus reticulata Blanco), họ cam (Rutaceae). Trước khi dùng rửa sạch thật nhanh để tránh vị thuốc bị làm nát do nước. Để ráo nước rồi bóc bỏ các màng trắng ở bên trong. Thái chỉ, sao vàng hoặc sao đen. Trần bì chứa chủ yếu tinh dầu (Oleum Mandarin), các flavonoid, vitamin A, B.
Trần bì (vỏ khô của quả quýt).
Trần bì vị hơi đắng, mùi thơm đặc trưng, có tác dụng kích thích nhẹ vị tràng, làm tăng sự phân tiết dịch tiêu hóa, làm tăng sự bài trừ các khí tích trong ruột, chống loét đường ruột, hạ huyết áp, chống viêm. Nước sắc trần bì còn có tác dụng tăng sức co bóp của tim ếch cô lập, tác dụng giãn động mạch vành tim. Thành phần hesperidin trong trần bì có tác dụng duy trì được tính thẩm thấu bình thường của mạch máu, giảm được tính giòn của mạch và rút ngắn được thời gian chảy máu trên động vật thí nghiệm. Trần bì sống, trần bì chế và tinh dầu trần bì đều có tác dụng chống ho, trừ đờm trên động vật thí nghiệm.
Theo y học cổ truyền, trần bì có vị đắng, cay, tính ấm, vào 2 kinh tỳ, phế. Tác dụng hành khí, hòa vị, chỉ nôn, chỉ tả, hóa đàm ráo thấp, chỉ ho. Liều dùng chung 4-12g.
Trị ho, đờm nhiều, dính, bứt rứt trong lồng ngực, tiêu hóa kém: trần bì, bán hạ (chế), bạch linh, cam thảo, mỗi vị 10g, sắc uống.
Trị ợ hơi, ngực bụng đầy trướng, đau, buồn nôn: trần bì, bạc hà, tô diệp, sinh khương, hoàng liên, mộc hương, mỗi vị từ 10-12g, sắc uống.
Trị đau bụng do lạnh: trần bì, can khương, thương truật, tô diệp, nam mộc hương, hậu phác, mỗi vị 10-12g, sắc uống.
Trị các bệnh khí trệ, huyết ứ, gây đau đớn cơ nhục, bế kinh, đau bụng kinh, đau dạ dày, ruột..: trần bì phối hợp với hương phụ, ích mẫu, nga truật...
Trị viêm tuyến vú cấp tính: trần bì 30g, cam thảo 6g, sắc uống.