Xin bác sĩ hướng dẫn cách phân biệt sốt virut và sốt do nhiễm khuẩn ở trẻ em? Trường hợp sốt nào nên truyền dịch bù mất nước cho trẻ và trường hợp nào không nên truyền? Xin cảm ơn.
Nguyễn Hoài Phương (Hà Nội)
Sốt virut là trường hợp sốt do căn nguyên virut thường không đặc hiệu và chưa xác định được căn nguyên (nếu biết chắc chắn loại virut thì không được xếp vào nhóm sốt virut nữa mà phải chẩn đoán bệnh cụ thể, ví dụ như bệnh sởi, bệnh thủy đậu, Rubella...). Sốt do nhiễm khuẩn thường do các vi khuẩn gây nên và hầu hết cũng có thể chẩn đoán theo căn nguyên (ví dụ sốt thương hàn do vi khuẩn thương hàn...).
Cách phân biệt:
Sốt do virut thường có yếu tố dịch tễ, đặc biệt theo mùa, diễn biến cấp tính, thường không cần điều trị đặc hiệu và hầu hết sẽ tự khỏi sau điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ (ví dụ: hạ sốt, cho uống bù nước điện giải, giảm đau, vitamin...).
Sốt do nhiễm khuẩn sẽ có các triệu chứng rất khác nhau tùy theo căn nguyên. Vì vậy, cần phải điều trị bằng các kháng sinh đặc hiệu tùy theo các loại vi khuẩn gây bệnh. Về mặt xét nghiệm, sốt do nhiễm khuẩn có bạch cầu máu tăng cao, tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng cao, chỉ số CRP hoặc procanxitonin tăng cao, soi cấy vi khuẩn có thể dương tính.
Về nguyên tắc, khi trẻ sốt do bất cứ căn nguyên gì, nên bổ sung nước và điện giải bằng đường uống, chỉ sử dụng dịch truyền theo chỉ định của bác sĩ khi cần thiết.
PGS.TS. Phạm Nhật An