Nhiều người thắc mắc ngoài thời tiết, yếu tố nguy cơ nào dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Trên thực tế, nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều là tình trạng bệnh lý liên quan đến sự ngưng lưu thông máu. Tuy nhiên, bệnh đột quỵ ảnh hưởng đến não, còn nhồi máu cơ tim ảnh hưởng đến tim.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Tùy thuộc vào vị trí động mạch bị tắc nghẽn, nó có thể gây ra đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một động mạch vành – động mạch cung cấp máu cho tim, bị tắc nghẽn hoặc hẹp đến mức ngừng lưu thông máu hoặc sự lưu thông máu bị hạn chế nghiêm trọng.
Sự tắc nghẽn động mạch vành có thể xảy ra đo cục máu đông làm ngừng tuần hoàn máu, hoặc do sự tích tụ của mảng bám cholesterol trong động mạch làm sự tuần hoàn chậm lại hoặc ngừng hoàn toàn.
Nguyên nhân gây đột quỵ
Đột quỵ có thể do xuất huyết hoặc thiếu máu não nhưng phổ biến nhất là đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não), xảy ra do:
- Huyết khối (là tình trạng tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông hình thành tại mạch máu đó): xảy ra do xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường.
- Thuyên tắc mạch (là tình trạng tắc nghẽn do huyết khối từ nơi khác trong cơ thể đến): xảy ra do bệnh lý từ tim, viêm nhiễm, ung thư.
Còn đột quỵ xuất huyết xảy ra do mạch máu não bị vỡ hoặc cấu trúc mạch máu bất thường. Có hai loại là:
- Xuất huyết não: do tăng huyết áp, thoái hóa dạng bột hoặc rối loạn đông máu.
- Xuất huyết khoang dưới nhện: do tăng huyết áp hoặc dị dạng mạch máu não.
Mặc dù nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ có nhiều khác nhau, nhưng các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau, bao gồm:
- Hút thuốc lá và sử dụng rượu bia;
- Cholesterol cao;
- Huyết áp cao;
- Bệnh đái tháo đường (tiểu đường);
- Bệnh lý tim mạch;
- Tuổi tác;
- Tiền sử gia đình.
Trên thực tế ghi nhận cho thấy, với lối sống không lành mạnh và các yếu tố nguy cơ thì những người từng bị đột quỵ có nhiều khả năng bị nhồi máu cơ tim và ngược lại. Tình trạng tăng huyết áp làm căng thành mạch máu, khiến chúng trở nên cứng hơn và ít có khả năng mở rộng khi cần thiết để duy trì sự tuần hoàn. Khả năng lưu thông máu kém sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Những người mắc chứng bất thường về nhịp tim cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Khi nhịp tim không đều, máu có thể tích tụ trong tim và hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông đó di chuyển ra khỏi tim đến động mạch vận chuyển máu lên não, nó có thể gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Phân biệt nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Nhồi máu cơ tim là tình trạng đau tim khi nguồn cung cấp oxy nuôi dưỡng tim bị cắt đứt. Một số người bị đau tim có dấu hiệu cảnh báo, trong khi một số người khác có thể không có dấu hiệu nào. Một số triệu chứng phổ biến là:
Người bệnh cảm thấy đau thắt vùng trước ngực, khó chịu ở vùng ngực và thân trên, đó có thể là dấu hiệu khởi phát của một cơn nhồi máu cơ tim.
Thông thường bệnh nhân sẽ ôm ngực, cảm thấy khó thở và vã mồ hôi lạnh. Chức năng của tim là bơm máu đi nuôi cơ thể, và nếu không bơm đủ máu lên não, não sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến hôn mê. Tới giai đoạn này, có thể nhồi máu cơ tim sẽ bị nhầm lẫn với đột quỵ.
Đột quỵ là tình trạng tai biến mạch máu não. Khi mạch máu não bị tắc nghẽn, dẫn đến việc máu không được đưa đủ lên một vùng não nhất định, trường hợp này gọi là đột quỵ do thiếu máu não. Còn trong trường hợp chảy máu não, các bác sĩ gọi đó là đột quỵ xuất huyết não.
Cả hai loại đột quỵ này xảy ra ở não và thường gây các biến chứng thần kinh. Người bệnh có thể đột ngột nói khó hoặc không nói được, không cử động được chân tay hoặc chỉ có thể cử động yếu; cảm thấy tê bì dị cảm, và nếu diễn tiến nặng có thể rơi vào trạng thái hôn mê. Nếu thấy có những triệu chứng liên quan đến dấu hiệu thần kinh, đó là một cơn đột quỵ.