Phân biệt nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm vùng sinh dục

18-03-2022 08:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nếu cảm thấy khó chịu ở vùng sinh dục hoặc khi đi tiểu, có thể đó là dấu hiệu bị nhiễm trùng. Hai loại nhiễm trùng thường ảnh hưởng đến vùng sinh dục là nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm.

Nhiễm trùng tiết niệu (nhiễm trùng tiểu) và nhiễm trùng nấm thường xảy ra ở phụ nữ, nhưng nam giới cũng có thể mắc. Mặc dù cả hai loại nhiễm trùng là tình trạng khác nhau, nhưng một số triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa tương tự nhau và đều nên đến gặp bác sĩ để điều trị. Mặc dù nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm rất khác nhau, nhưng có thể mắc cùng lúc hai tình trạng.

1. Triệu chứng và nguyên nhân nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm

Nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm là hai bệnh nhiễm trùng khác nhau nhưng các triệu chứng có thể ở cùng vùng sinh dục.

1.1 Nhiễm trùng tiết niệu

Các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu thường ảnh hưởng đến việc đi tiểu. Chúng có thể gây ra cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc có thể cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, ngay cả khi không thực sự phải đi tiểu. Tiểu đêm nhiều, nước tiểu đổi màu hoặc đục, có thể có máu đỏ hoặc hồng, nước tiểu có mùi hôi, sốt hoặc ớn lạnh, nôn mửa hoặc buồn nôn, tất cả đều có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Đau hoặc cảm giác áp lực ở bụng dưới, lưng và hai bên. Đau ở xương chậu, đặc biệt nếu là phụ nữ.

Nhiễm trùng tiết niệu xảy ra khi bị vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiết niệu. Hệ thống tiết niệu gồm thận, niệu quản, bọng đái, niệu đạo.

Sự khác biệt giữa nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm  - Ảnh 2.

Hình ảnh nhiễm trùng tiết niệu.

Nhiễm trùng tiết niệu không chỉ do quan hệ tình dục gây ra mà một số điều có thể khiến vi khuẩn tích tụ trong niệu đạo và dẫn đến nhiễm trùng tiểu bao gồm: tiếp xúc với phân chứa vi khuẩn, chẳng hạn như E. Coli; tiếp xúc với lây truyền qua đường tình dục; sử dụng chất diệt tinh trùng và màng ngăn trong quan hệ tình dục, không làm rỗng bàng quang thường xuyên do nhịn đi tiểu thường xuyên.

1.2 Nhiễm trùng nấm

Các triệu chứng nhiễm trùng nấm có thể bao gồm đau khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục, ngứa ở khu vực bị ảnh hưởng (chẳng hạn như âm đạoâm hộ), sưng tấy ở khu vực bị ảnh hưởng (đối với nhiễm trùng nấm âm đạo, sẽ ở âm đạo và âm hộ), đau ở vùng bị ảnh hưởng, tiết dịch âm đạo bất thường, thường không có mùi, đặc và có màu trắng đục (đối với nhiễm trùng nấm âm đạo).

Nhiễm trùng nấm xảy ra khi có quá nhiều loại nấm Candida tích tụ ở vùng ẩm trên da, gây nhiễm trùng. Có thể bị tình trạng này ngay cả khi bạn không hoạt động tình dục. Một số nguyên nhân gây ra nhiễm trùng nấm âm đạo bao gồm:

  • Những thay đổi đối với hệ thống miễn dịch do căng thẳng, bệnh tật, mang thai và các yếu tố khác
  • Thuốc, kiểm soát sinh sản, kháng sinh và steroid
  • Kích thích tố
  • Lượng đường trong máu cao (do quản lý bệnh đái tháo đường kém)
  • Mặc đồ lót và quần bó sát hoặc âm đạo bị ẩm ướt

2. Nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm phổ biến như thế nào?

Sự khác biệt giữa nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm  - Ảnh 4.

Nhiễm trùng nấm Candida ở âm đạo.

Nhiễm trùng tiết niệu phổ biến với 10/25 phụ nữ và 3/25 nam giới trong suốt cuộc đời. Phụ nữ bị nhiễm trùng tiết niệu thường gặp hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn nam giới và gần âm đạo và hậu môn hơn, dẫn đến việc tiếp xúc với vi khuẩn nhiều hơn.

Có thể có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu nếu đang hoạt động tình dục, đang mang thai, hiện đang sử dụng hoặc đã sử dụng kháng sinh, béo phì, đã trải qua thời kỳ mãn kinh, đã sinh nhiều con, bị bệnh đái tháo đường, có hoặc đã bị sỏi thận hoặc tắc nghẽn khác trong đường tiết niệu, hệ thống miễn dịch suy yếu.

Phụ nữ bị nhiễm trùng nấm thường xuyên hơn nam giới và khoảng 75% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng nấm trong đời. Nhiễm trùng nấm thường xảy ra ở âm đạo và âm hộ, nhưng cũng có thể bị nhiễm trùng nấm men ở vú nếu đang cho con bú và ở những vùng ẩm ướt khác của cơ thể, chẳng hạn như miệng. Nhiễm trùng nấm âm đạo không phải là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể truyền bệnh cho bạn tình khi quan hệ tình dục.

Nguy cơ nhiễm nấm âm đạo tăng lên nếu đang ở giữa tuổi dậy thì và mãn kinh, có thai, sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố, bị đái tháo đường và không kiểm soát được lượng đường trong máu cao một cách hiệu quả, đang sử dụng hoặc gần đây đã sử dụng thuốc kháng sinh hoặc steroid, thụt rửa sâu vào âm đạo, hệ thống miễn dịch kém.

3. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Sự khác biệt giữa nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm  - Ảnh 5.

Kihi bị nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm nên đi khám để chẩn đoán và điều trị đúng triệu chứng.

Cả nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm đều cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán để ngăn bệnh trở nên tồi tệ hơn. Nhiễm trùng tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn. Nhiễm trùng nấm cũng có thể nghiêm trọng hơn hoặc các triệu chứng thực sự có thể là do một tình trạng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

4. Chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm

Nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm được chẩn đoán khác nhau. Nhiễm trùng tiết niệu được chẩn đoán bằng mẫu nước tiểu. Nhiễm trùng nấm sẽ được chẩn đoán sau khi lấy tăm bông vùng bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm cho cả nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm nếu nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng này hoặc nhiễm trùng khác nhưng không thể chẩn đoán bằng khám sức khỏe thông thường.

5. Điều trị nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm

Cả nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm đều có thể điều trị được dễ dàng. Thuốc kháng sinh được dùng cho nhiễm trùng tiết niệu để giảm bớt các triệu chứng trong vài ngày. Uống đủ liều kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu quay trở lại. Ngoài ra, nhiễm trùng tiết niệu cũng được điều trị bằng các loại thuốc khác không dựa trên kháng sinh.

Nhiễm trùng nấm dùng thuốc chống nấm. Những loại thuốc này có thể được kê đơn hoặc mua không cần đơn và có sẵn trong nhiều phương pháp điều trị. Có thể dùng thuốc uống, thuốc bôi hoặc thậm chí đặt thuốc đặt. Thời gian điều trị khác nhau và có thể dao động từ một liều đến nhiều liều trong thời gian một tuần. Cũng giống như nhiễm trùng tiết niệu, người bị nấm nên dùng thuốc điều trị theo khuyến cáo để ngăn tình trạng tái phát.

Khi bị nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm tái phát cần được điều trị tích cực hơn. Bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp điều trị này nếu bạn bị bội nhiễm trong một thời gian ngắn.

6. Ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm men

Sự khác biệt giữa nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm  - Ảnh 6.

Để phòng tránh nhiễm trùng nấm nên tắm dưới vòi sen bằng nước ấm.

Có thể ngăn ngừa cả nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm bằng cách thực hành vệ sinh tốt. Dưới đây là một số mẹo phòng ngừa:

  • Lau từ trước ra sau sau khi đi tiêu, tiểu.
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton. Không mặc đồ ẩm ướt.
  • Tránh mặc quần áo bó sát xung quanh khu vực bộ phận sinh dục.
  • Không thụt rửa hoặc sử dụng thuốc xịt hoặc khử mùi âm đạo gần bộ phận sinh dục.
  • Tránh các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm.

Phòng ngừa hơn nữa nhiễm trùng tiết niệu bao gồm

  • Vệ sinh sạch sẽ cơ thể, đặc biết là vùng sinh dục
  • Thường xuyên uống nhiều nước
  • Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục
Có thể giảm khả năng mắc bệnh nhiễm trùng nấm nếu:
  • Nên tắm dưới vòi sen và tránh tắm bồn tắm
  • Thay đổi các sản phẩm vệ sinh phụ nữ thường xuyên
  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị đái tháo đường.

Cả nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng nấm đều phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Có nhiều cách để ngăn chặn những tình trạng này xảy ra. Cần đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ mình bị nhiễm trùng tiết niệu hoặc nhiễm trùng nấm men. Bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng của bạn và đưa ra phác đồ điều trị ngay lập tức.

Dịch âm đạo khi mang thai có đáng lo?Dịch âm đạo khi mang thai có đáng lo?

SKĐS - Một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất là tiết dịch âm đạo tăng lên và diễn ra trong suốt thai kỳ. Những thay đổi của tiết dịch âm đạo khi mang thai có bình thường không hay là nguyên nhân đáng lo ngại?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu COVID-19 cần thay đổi trong lối sống để ngủ ngon hơn


BS. Ngọc Thanh
Ý kiến của bạn