Phân biệt mụn rộp sinh dục và các bệnh phát ban, sùi mào gà

09-09-2024 19:55 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS – Mụn rộp sinh dục và các bệnh phát ban, hay sùi mào gà rất dễ nhầm lẫn với nhau. Cần phân biệt đúng để có cách điều trị phù hợp.

Mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Herpes sinh dục thường có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da trong khi quan hệ tình dục.

1. Mụn rộp sinh dục

Mụn rộp sinh dục do Herpes simplex virus (HSV) gây ra. Mụn rộp sinh dục có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, thậm chí cả trẻ sơ sinh nếu người mẹ mắc bệnh mụn rộp sinh dục trong quá trình mang thai.

Nếu có những mụn nước chứa đầy dịch ở vùng lân cận miệng hoặc bộ phận sinh dục, rất có thể đã bị nhiễm virus herpes. Khi vỡ ra, vết loét sẽ đóng vảy.

Phân biệt mụn rộp sinh dục và các bệnh phát ban, sùi mào gà - Ảnh 1.

Có hai loại mụn rộp sinh dục, gây vết loét ở miệng và môi và gây lở loét quanh bộ phận sinh dục.

Có hai loại mụn rộp sinh dục:

  • HSV-1 (Herpes simplex virus loại 1) gây ra vết loét quanh miệng và môi.
  • HSV-2 (virus Herpes simplex loại 2) gây lở loét quanh bộ phận sinh dục.

Mặc dù nhiều người nhiễm virus herpes không gặp phải các triệu chứng đáng chú ý, nhưng các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Mụn nước chứa đầy chất lỏng.
  • Ngứa, rát da trước khi vết loét xuất hiện.
  • Triệu chứng giống cúm.
  • Khó chịu khi đi tiểu.

Mụn rộp sinh dục khá phổ biến, dù bệnh Herpes sinh dục do HSV-2 gây ra nhưng HSV-1 cũng lây lan thông qua tiếp xúc, tạo thành các mụn rộp ở bộ phận sinh dục.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có 491,5 triệu người nhiễm HSV-2 vào năm 2016. Con số này chiếm hơn 1/10 dân số thế giới trong độ tuổi từ 15 – 49.

WHO cũng ước tính rằng 3,7 tỷ người nhiễm HSV-1 trong cùng năm, chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới dưới 50 tuổi.

Hiện không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh mụn rộp sinh dục. Tuy nhiên các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc kháng virus, chất kháng histamine, thuốc giảm đau và các biện pháp khác để giảm nguy cơ tái phát và lây lan bệnh cho người khác.

2. Các bệnh phát ban và sùi mào gà

Phát ban là tình trạng viêm da do một số yếu tố gây ra, từ chất kích thích da đến các bệnh. Phát ban thường được xác định bởi các triệu chứng như đỏ, sưng tấy, ngứa…

Các triệu chứng của phát ban cụ thể thường khác với mụn rộp, mặc dù chúng có thể xuất hiện ở những vùng tương tự trên cơ thể. Các tình trạng phổ biến có thể gây phát ban da bao gồm:

Viêm da

Viêm da là tình trạng da khiến da đỏ, ngứa, bong tróc. Có hai loại viêm da: tiếp xúc và dị ứng.

Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban xuất hiện sau khi da bạn chạm vào chất gây kích ứng, chẳng hạn như nước hoa hoặc hóa chất. Sẽ nhận thấy phát ban xuất hiện khi chạm vào chất gây kích ứng và mụn nước cũng có thể hình thành.

Viêm da dị ứng còn được gọi là bệnh chàm. Đó là phát ban xảy ra sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Các triệu chứng bao gồm các mảng da dày, có vảy, đỏ trên khắp cơ thể.

Không giống như mụn rộp, viêm da có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể. Viêm da tiếp xúc có thể sẽ biến mất sau khi ngừng tiếp xúc với chất gây kích ứng và da được làm sạch bằng xà phòng nhẹ. Viêm da dị ứng có thể được ngăn ngừa bằng cách giữ ẩm cho da và tránh các tác nhân như tắm nước nóng và thời tiết lạnh.

Bệnh zona

Bệnh zona là tình trạng phát ban da gây đau đớn được cho là do cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu (virus varicella-zoster). Mặc dù các triệu chứng của bệnh zona thường bao gồm ngứa, các mụn nước rất giống như mụn rộp, nhưng các mụn nước này thường xuất hiện thành từng dải hoặc một vùng nhỏ ở một bên mặt, cổ hoặc cơ thể cùng với phát ban dữ dội.

Không có cách chữa trị bệnh zona, nhưng có những loại thuốc kháng virus mà bác sĩ có thể kê đơn để rút ngắn thời gian chữa lành và giảm nguy cơ biến chứng.

Ngứa vùng bẹn

Phân biệt mụn rộp sinh dục và các bệnh phát ban, sùi mào gà - Ảnh 3.

Nên đi khám phụ khoa nếu thấy biểu hiện bệnh mụn rộp sinh dục, phát ban, sùi mào gà để được chẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp.

Ngứa vùng bẹn là một bệnh nhiễm nấm thường trông giống như phát ban đỏ với một vài mụn nước nhỏ gần mép phát ban. Không giống như mụn rộp, những mụn nước này thường không đóng vảy. Ngoài ra, mụn rộp thường xuất hiện trên dương vật, trong khi phát ban liên quan đến ngứa vùng bẹn thường xuất hiện ở đùi trong và háng, nhưng không xuất hiện ở dương vật.

Ngứa vùng bẹn thường được điều trị bằng cách gội đầu bằng dầu gội chống nấm từ hai đến bốn tuần và bôi kem chống nấm tại chỗ.

Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm trùng da rất dễ lây lan do loài ve Sarcoptes scabiei chui vào da để đẻ trứng. Trong khi mụn rộp thường được tìm thấy ở miệng và vùng sinh dục, bệnh ghẻ có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trên cơ thể. Nhiễm trùng ghẻ xuất hiện dưới dạng mẩn đỏ hoặc phát ban, đôi khi có dấu hiệu nổi mụn nhỏ, vết sưng hoặc mụn nước. Vết loét có thể xuất hiện khi vùng đó bị trầy xước.

Để điều trị ghẻ, bác sĩ sẽ cho dùng kem bôi trị ghẻ để tiêu diệt bọ ghẻ và trứng của chúng.

Mụn cóc sinh dục (bệnh sùi mào gà)

Do nhiễm virus u nhú ở người, mụn cóc ở bộ phận sinh dục thường là những vết sưng giống như ngọn súp lơ chứ không phải mụn nước do mụn rộp gây ra.

Cùng với các loại thuốc bôi tại chỗ, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp áp lạnh (đông lạnh) hoặc điều trị bằng laser để loại bỏ mụn cóc. Không có cách chữa trị virus u nhú ở người, vì vậy không có phương pháp điều trị nào đảm bảo loại bỏ mụn cóc và ngăn chúng quay trở lại.

3. Đi khám khi nghi ngờ mắc các bệnh mụn rộp sinh dục, phát ban, sùi mào gà

Nếu nghi ngờ mình hoặc bạn tình có triệu chứng mắc các bệnh mụn rộp sinh dục, phát ban, sùi mào gà, không nên sờ hay cọ xát vào khu vực đó, tạm ngừng quan hệ tình dục nữa cho đến khi gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán.

Nếu phát hiện triệu chứng của mụn rộp sinh dục hoặc nhận thấy mình có khả năng đã tiếp xúc với mụn rộp sinh dục HSV; hoặc thấy các biểu hiện của bệnh phát ban hay sùi mào gà cần đi khám bác sĩ chuyên khoa sản - phụ khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán bệnh và tư vấn về việc sử dụng thuốc điều trị.

8 loại bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất8 loại bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất

SKĐS - Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) là một nhóm các bệnh nhiễm trùng có thể lây truyền từ người sang người qua hoạt động tình dục. STI do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Nếu không được điều trị có nguy cơ dẫn đến bệnh tật lâu dài và vô sinh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tổng hợp các bệnh tình dục nguy hiểm nhất hiện nay.


NHS. Đỗ Thị Thanh Huyền
Khoa Sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Ý kiến của bạn