1. Kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng vật lý là loại vô cơ, thường có các hoạt chất titanium dioxide (TiO2), Zinc oxide (ZnO). Trong đó titanium dioxide có tác dụng chính. Kem chống nắng vật lý bảo vệ da bằng cách tạo một lớp màng để chắn các tia cực tím. Vậy nên các loại kem chống nắng vật lý khi thoa lên thường để lại một lớp màng màu trắng trên da.
1.1 Ưu điểm của kem chống nắng vật lý
Do có cơ chế màng chắn các tia cực tím, nên kem chống nắng vật lý có thể bảo vệ da ngay khi thoa mà không cần chờ khoảng thời gian phát huy tác dụng bảo vệ da quá nhiều như kem chống nắng hoá học.
Cũng chính vì cơ chế màng chắn, nên kem chống nắng vật lý có tác dụng bảo vệ da trước cả 2 loại tia cực tím UVA và UVB; có tác dụng trong thời gian dài hơn so với kem chống nắng hóa học.
Loại kem này cũng ít kích ứng cho da nên da nhạy cảm có thể dùng được.
1.2 Nhược điểm của kem chống nắng vật lý
Do tạo màng chắn, nên chất kem thường dày, để lại lớp màng màu trắng khá khó chịu, kém thẩm mỹ và dễ gây bít lỗ chân lông, từ đó dễ gây mụn; dễ trôi nếu ra nhiều mồ hôi, khi tiếp xúc với nước... Do đó, không phù hợp với những ai làm việc, hoạt động nhiều ngoài trời hoặc khi đi bơi.
Nếu bạn trang điểm, kem chống nắng vật lý cũng ăn vào cùng với mỹ phẩm, dễ tạo ra sự vón cục, gây mất thẩm mỹ.
2. Kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hoá học là loại kem chống nắng hữu cơ. Thành phần chính gồm các hoạt chất avobenzone, oxybenzone, sulisobenzone, octylcrylene, octinoxate, octisalate. Kem chống nắng hóa học hoạt động như một màng lọc hóa học, bảo vệ da bằng cách hấp thụ các tia cực tím, xử lý và phân huỷ các tia này trước khi chúng có thể làm tổn hại đến da. Kem chống nắng hóa học có kết cấu mỏng, nhẹ, không màu, không mùi.
2.1 Ưu điểm của kem chống nắng hóa học
- Dạng kem thường có kết cấu mỏng, nhẹ, ít nhờn... do đó dễ thoa đều trên da và hạn chế nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông. Sau khi thoa kem dễ thấm vào da, không để lại vệt trắng bệt hoặc bóng dầu.
- Kem chống nắng hóa học dễ tệp màu với da, mỹ phẩm, do đó có thể sử dụng như một lớp kem lót trước khi trang điểm.
- Thường đi kèm các chỉ số chống trôi nước, do đó có thể dùng khi hoạt động ngoài trời hoặc dưới nước...
2.2 Nhược điểm của kem chống nắng hóa học
- Cần phải thoa kem tối thiểu 15-20 phút để kem thấm vào da và phát huy tác dụng trước khi ra ngoài trời nắng.
- Do kem tác động theo cơ chế hấp thu, xử lý hoặc phân huỷ các tia UV theo cơ chế hoá học nên thường mất tác dụng sau một thời gian, nên thường phải bôi lại sau 2-3 giờ.
- Có thể chứa các thành phần hoá học gây kích ứng da. Do đó người có làn da nhạy cảm hoặc da yếu nên lựa chọn cẩn thận. Kem chống nắng hóa học cũng dễ gây nổi mụn cho những người sở hữu da yếu.
- Người có đốm màu sậm trên da, nếu sử dụng kem chống nắng hóa học có thể gây sậm màu hơn.
Ngoài 2 loại kem chống nắng chính này, còn có một số sản phẩm kết hợp cả hai loại vật lý và hoá học nhằm bù trừ các ưu - nhược điểm của 2 loại trên.
3. Nên dùng kem chống nắng nào?
Kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học có những ưu và nhược điểm riêng. Tuỳ thuộc làn da của bạn để chọn loại kem chống nắng phù hợp. Thông thường kem chống nắng hoá học dễ gây kích ứng hơn, nên không phù hợp với da nhạy cảm hoặc da mụn. Đặc biệt các bạn đang bị mụn trứng cá đỏ, hội chứng rosacea thì không nên dùng kem chống nắng hóa học. Người có làn da dầu sẽ phù hợp với kem chống nắng hóa học hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn dị ứng với các loại khoáng chất thì lại không nên dùng kem chống nắng vật lý, nhưng kem chống nắng vật lý lại phù hợp với làn da khô, da thường.
Mời độc giả xem thêm video:
Mối nguy hiểm khi ăn thực phẩm cháy | SKĐS