Khi trẻ mắc sốt phát ban biểu hiện thế nào?
Sốt phát ban có thể do nhiều loại vi-rút gây ra. Tuy nhiên, có 2 nguyên nhân thường gặp gây sốt phát ban là vi-rút Sởi, vi-rút gây bệnh rubella, bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh khi ho, hắt hơi.
Sau thời gian ủ bệnh (thường là 7 ngày), trẻ sẽ có biểu hiện: Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao (38-40 độ C), sốt cao nhưng là sốt từng cơn. Nổi ban đỏ: trong vòng 12-24 giờ sau sốt, ban hay hồng ban sẽ xuất hiện tùy theo đặc điểm của vi-rút bị nhiễm và thể trạng của từng bé. Ban trong sốt phát ban sẽ biến mất rất nhanh khi căng da, phát ban khoảng 3-5 ngày rồi lặn hẳn. Một số triệu chứng kèm theo như người mệt mỏi, uể oải, chảy nước mũi, đỏ mắt, bỏ ăn, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra có thể kèm theo đau họng, sưng hạch cổ.
Ban trong sốt phát ban sẽ biến mất rất nhanh khi căng da
Hầu hết trẻ bị sốt phát ban từ ngày thứ tư trở đi sẽ dần hết sốt, ăn uống được. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sốt phát ban có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. Đặc biệt, bệnh càng trở nên nguy hiểm với những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 12 tháng tuổi, … Một số biến chứng có thể gặp như: viêm tai giữa, viêm phổi nặng, viêm màng não, viêm loét giác mạc gây mù vĩnh viễn, suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm sởi.
Nhận biết trẻ mắc sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do nhiễm vi-rút Dengue, gây ra bởi muỗi vằn hút máu người bệnh có vi-rút Dengue rồi truyền sang. Bệnh có thể bùng phát dịch vào mùa mưa (bệnh lan truyền nhanh, nhiều người mắc cùng lúc). Bệnh có diễn biến thất thường, nếu phát hiện trễ thì việc điều trị khó khăn, dễ tử vong. Bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có thuốc chủng ngừa.
Biểu hiện chính của bệnh là sốt và xuất huyết. Sốt: Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục 39-40độ C từ 2-7 ngày. Sốt rất khó giảm với thuốc hạ sốt. Xuất huyết: dạng chấm xuất huyết hoặc bầm máu ở da hoặc xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ. Đau bụng, nôn ói. Có khoảng 30% các trường hợp mắc sốt xuất huyết trở nặng vào ngày thứ 3 -thứ 7 của bệnh. Không có căn cứ để biết được trường hợp trẻ nào sẽ trở nặng. Lưu ý các trường hợp trẻ béo phì, trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, bệnh có nguy cơ diễn tiến xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.
Làm thế nào để phân biệt được giữa sốt xuất huyết và sốt phát ban?
Cách đơn giản nhất để phân biệt ban trong sốt phát ban và ban trong sốt xuất huyết là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết. Nếu phát hiện chấm đỏ mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay thì chính là dấu hiệu của sốt phát ban. Ngược lại, nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti sau khi căng da, đó là sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, để đảm bảo phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết chính xác cũng như tránh những nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn kể trên, giải pháp tốt nhất cho các bậc phụ huynh là nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám - tư vấn - điều trị ngay khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Mặc quần áo dài.
- Buông màn (mùng) khi ngủ bất kể là ngày hay đêm.
- Dùng các dụng cụ diệt muỗi, hương muỗi, bôi kem đuổi muỗi, dùng vợt diệt muỗi. . .
- Dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn (mùng) tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để chống dịch.
Hiện nay bệnh sốt xuất huyết không có vacxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chúng ta cần chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết dựa trên các đường lây của bệnh. Đặc biệt những đối tượng chưa mắc bệnh mà sống trong vùng dịch phải chủ động phòng tránh tích cực hơn, tránh việc bệnh sốt xuất huyết lây lan thành ổ dịch lớn. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh phải chủ động đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh để bệnh diễn tiến nặng có thể gây tử vong.
* Lưu ý:
- Không sử dụng kem thoa chống muỗi cho trẻ dưới 2 tháng tuổi, không để trẻ tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất diệt muỗi, chống muỗi.
- Sử dụng bình xịt muỗi ở những nơi góc tối như: gầm giường, tủ, bàn, góc tường tối, dưới cầu thang, nơi treo móc quần áo, màn, rèm,…thời gian phun từ 1-2 phút và những nơi mà gia đình thường sinh hoạt như: phòng khách, nhà bếp,… sau khi phun nên ra khỏi nhà/phòng, đóng kín cửa từ 15-30 phút để thuốc có hiệu quả diệt muỗi tốt hơn.