Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), chỉ trong tháng 6/2015 đã có 2.100 tấn dưa lưới vàng của Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Điều đáng nói đa số người bán đều gỡ tem Trung Quốc nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là dưa nhập và đâu là dưa được trồng tại Việt Nam. Nhiều nơi tuy bán dưa Trung Quốc nhưng lại trưng bảng “Dưa lưới Đà Lạt bao ngọt”, “Dưa ngọt Sài Gòn”… nên ngay cả các nhà hàng, quán ăn cũng mua nhầm.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng Việt đang có xu hướng không ưa hàng Trung Quốc khiến sản phẩm nhập về khó bán nên tiểu thương tráo đổi xuất xứ để dễ tiêu thụ. Nhiều loại rau quả Trung Quốc gắn mác Đà Lạt bởi đây là vùng sản xuất rau quả sạch nổi tiếng.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng Lại Thế Hưng, cho biết các doanh nghiệp ở Đà Lạt, Lâm Đồng mới bắt đầu thử nghiệm trồng dưa lưới từ năm 2014 đến nay nên sản lượng chưa nhiều, đa số cung cấp cho các siêu thị và đơn đặt hàng chứ không có nhiều để bán đại trà như vậy.
Một số tiểu thương tiết lộ đã lấy dưa lưới Trung Quốc tại chợ đầu mối, giá chỉ hơn 10.000 đồng/kg để bán lại khoảng 18 - 20.000 đồng; những nơi treo bảng dưa Đà Lạt thì bán trên dưới 22.000 đồng. “Đà Lạt sản xuất dưa lưới giống của Pháp, Nhật theo công nghệ cao (trồng trên giá thể trong nhà màn…) nên giá bán tại vườn khoảng từ 30 - 50.000 đồng, có loại lên tới 150.000 đồng chứ không có giá rẻ như vậy”, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nói.
Quả dưa lưới Trung Quốc đa phần có màu vàng cũ, quả dài, hình bầu dục, kích cỡ lớn (trung bình mỗi quả nặng 4-5 kg, loại nhỏ nhất cũng trên 3 kg), ruột dưa màu vàng cam, cùi hơi mềm và ăn ngọt lịm. Dưa lưới Đà Lạt có cả quả màu xanh và màu vàng; quả tròn và quả hình bầu dục; trọng lượng của tất cả các loại dưa lưới đều nhỏ hơn hàng Trung Quốc nhiều (trung bình mỗi quả chỉ từ 1 - 2 kg, riêng dưa lưới của Cty Sinh học sạch Biofresh ở khu vực hồ Than Thở chỉ từ 0,35 đến 0,4 kg), vân lưới to và đẹp, cùi dày, vị ngọt thanh, ăn giòn.
Theo Kim Anh (Tiền phong)