Hà Nội

Phân biệt chủng tộc với người gốc Á ngày càng trầm kha 

01-04-2021 22:03 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nạn kỳ thị và phân biệt đối xử với người gốc Á không chỉ xuất hiện ở Mỹ mà còn ở nhiều nước phương Tây, nó đã trở thành “căn bệnh trầm kha”.

Người gốc Á trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công

Không phải bây giờ, nạn phân biệt chủng tộc với người châu Á tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới mới xuất hiện, nó đã “ăn sâu bám rễ” hàng thập kỷ nay trong xã hội phương Tây. Thời gian gần đây, vấn nạn này bất ngờ quay trở lại, gióng lên hồi chuông cảnh báo, gia tăng sự thù hận nguy hiểm đối với người gốc Á ở Mỹ và các nước phương Tây.

Vụ tấn công người Mỹ gốc Á gần Quảng trường Thời đại ở thành phố New York, Mỹ ngày 29/3, khiến dư luận Mỹ dậy sóng. Kẻ tấn công dã man một bà cụ 65 tuổi, người Mỹ gốc Philippines ngay gần trung tâm thành phố, đã bị bắt. Nhưng đoạn video vụ tấn công gây chấn động trên mạng xã hội bởi có ít nhất 3 người trong tòa nhà gần đó chứng kiến vụ việc nhưng không ai làm gì để ngăn chặn hành động bạo lực này. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói: “Vụ tấn công dã man một phụ nữ Mỹ gốc Á ở Midtown vô cùng kinh hoàng và đáng bị lên án”. Vụ tấn công xảy ra đúng 10 ngày sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, bang Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng.

Sự thù ghét người gốc Á đã lên đến đỉnh điểm và cộng đồng người gốc Á đang trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bạo lực. Theo tổ chức chuyên theo dõi các vụ chống lại người Mỹ gốc Á - Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021 ở Mỹ đã xảy ra gần 3.800 vụ kỳ thị nhằm vào người châu Á. Năm 2020, tội phạm thù hận người gốc Á gia tăng tới 145% ở 16 thành phố lớn nhất của Mỹ. Thực tế, các vụ tấn công không được thông báo là một con số rất lớn, AAPI cho biết.

Tại Canada, các hành động thù hận và bạo lực nhằm người gốc Á đã trở thành một cuộc “khủng hoảng”. Các báo cáo gần đây cho thấy trong khoảng thời gian từ 10/3/2020 đến cuối tháng 2/2021 có 1150 vụ kỳ thị, hành hung và phân biệt đối xử với người gốc Á. Trong đó 73% là quấy rối bằng lời nói, 11% hành hung về thể chất và những hành động nhục mạ như khạc nhổ... chiếm 10%.

Phân biệt chủng tộc với người gốc Á ngày càng trầm kha Tuần hành chống nạn kỳ thị, thù hằn với người gốc Á tại Canada.

Không im lặng trước bạo lực

Tâm lý bài ngoại gia tăng kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Một bộ phận người Mỹ có quan điểm sai lầm khi cho rằng, người gốc Á là nguyên nhân làm lây lan dịch COVID-19. Đây chính là khởi nguồn của mọi vụ tấn công thù hận nhằm vào người gốc Á.

Cuối tuần qua, tại hơn 60 thành phố ở Mỹ đã diễn ra các cuộc tuần hành với hàng nghìn người tham gia yêu cầu chấm dứt hành động bạo lực nhằm vào người châu Á. Làn sóng này đã lan ra tới cả Canada.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết: “Chúng ta không thể im lặng trước tình trạng bạo lực gia tăng chống lại người Mỹ gốc Á... Những cuộc tấn công này là sai trái, không thuộc về nước Mỹ, và cần phải chấm dứt”. Phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq nói: “Ở một số quốc gia, phụ nữ châu Á trở thành mục tiêu tấn công đặc biệt, điều này làm gia tăng sự thù hận nguy hiểm”.

Để giải quyết vấn nạn này, Mỹ cho biết sẽ triển khai một loạt các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng bạo lực nhằm vào người gốc Á. Đó là thành lập một ủy ban đặc nhiệm về công lý giải quyết và chấm dứt nạn bài ngoại, kêu gọi chính quyền các địa phương quan tâm hơn đến vấn đề này. Ngoài ra, Mỹ sẽ chi gần 50 triệu USD nhằm hỗ trợ cho những người gốc Á là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình và tấn công tình dục tại Mỹ nhưng phải đối mặt rào cản ngôn ngữ nên không thể khai báo. Một thư viện ảo gồm các dự án giúp tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người gốc Á cho nước Mỹ sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Nạn phân biện đối xử với người gốc Á đang trở thành “căn bệnh trầm kha” ở Mỹ, nó sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu chính quyền không có biện pháp để ngăn chặn. Trong đó, nâng cao nhận thức, kêu gọi sự đoàn kết, chung tay lên án và ngăn chặn những hành động thù hận... sẽ giúp đảm bảo an toàn cho cộng đồng người gốc Á tại xứ sở cờ hoa.


Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn