Hà Nội

Phân biệt cảm sốt thông thường và sốt xuất huyết

29-10-2020 08:35 | Y học 360
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa khiến nhiều người mắc phải, trong đó có cả triệu chứng cảm sốt. Cả hai bệnh đã có từ lâu trong cộng đồng, song không ít người vẫn bị nhầm lẫn, và tự ý điều trị, dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, nguy hiểm đến tính mạng.

Thuật ngữ cảm sốt được người Việt quen dùng. Bài viết đề cập tới 2 dạng là sốt thông thường và SXH. Sốt thông thường cũng rất đa dạng, là cách cơ thể phản ứng với sự bất thường, với dấu hiệu như mệt mỏi, thân nhiệt cao... Cụ thể hơn, sốt là dấu hiệu thường gặp do nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường (36,5 - 37,5 độ C), xảy ra khi cơ thể bị nhiễm trùng, sau chích ngừa... có thể kéo dài từ 2-3 ngày.

Đôi nét về cảm sốt thông thường

Theo Quỹ Giáo dục và Nghiên cứu y khoa Mayo Mỹ (MCO), sốt không phải là một triệu chứng xấu trừ khi sốt quá cao, kéo dài quá lâu, làm cho cơ thể vô cùng mệt mỏi. Triệu chứng của sốt thường dễ phát hiện như nhiệt độ cơ thể bắt đầu nóng lên trên 38 độ C trở ra. Cùng với việc tăng nhiệt độ còn xuất hiện dấu hiệu mất nước. Khi sốt nóng, lượng nước trong cơ thể giảm dẫn đến đau đầu, khô miệng, táo bón. Ngoài ra, mất nước cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như gây nôn mửa hoặc tiêu chảy. Thậm chí có thể dẫn đến tình trạng hôn mê nếu sốt quá cao và kéo dài, đặc biệt là nguy cơ gây tổn thương đến não.

Nguyên nhân gây sốt đa dạng và là dấu hiệu đầu tiên của nhiều căn bệnh. Điều đầu tiên cần quan tâm khi bị sốt đó là uống nhiều nước, nhất là trẻ còn bú mẹ thì phải cho bú đầy đủ. Nên ở trong phòng ấm, mặc đồ đủ thoáng, không để gió lùa, không để nhiệt độ phòng quá thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể và thường xuyên lau người bằng nước ấm. Tuyệt đối không tự dùng kháng sinh hay tự đi truyền dịch, cũng như lạm dụng dụng cụ xông họng vì có thể dẫn đến hỏng niêm mạc mũi, họng. Không nên uống liên tục thuốc hạ sốt và không dùng nước đá hoặc nước quá lạnh, quá nóng để lau người và nên mặc quần áo thoáng mát.

sốt xuất huyết

Nếu sốt cao trên 39 độ C dài ngày mà dùng thuốc hạ sốt không tác dụng, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, buồn nôn thì phải đưa người bệnh đến phòng khám, bệnh viện gần nhất để điều trị kịp thời.

DIỄN BIẾN CỦA SXH QUA CÁC GIAI ĐOẠN SAU:
- Giai đoạn 2-3 ngày đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người... Triệu chứng SXH giống như sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm. Sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh, mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu.
- Giai đoạn từ cuối ngày 3 đến ngày thứ 7: Bệnh nhân bắt đầu giảm sốt, nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch, gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, SXH nổi mẩn đỏ với các mức độ khác nhau. Cá biệt, có người bắt đầu chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...
- Giai đoạn ngày thứ 7: Các triệu chứng hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.

Tổng quan về SXH

Sốt xuất huyết (Dengue hemorrhagic fever, hay DHF) gây nên bởi một trong bốn loại huyết thanh virus thuộc chi Flavivirus rất gần nhau nhưng lại khác nhau về mặt kháng nguyên, là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nhiễm một loại virus có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời nhưng chỉ chống lại chính loại huyết thanh virus đó thôi. Vì lý do này, những người sống trong vùng “rốn dịch” SXH có thể mắc bệnh nhiều hơn một lần trong đời. SXH chủ yếu xảy ra ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiễm virus Dengue có các triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy thuộc cá thể. Bệnh có thể chỉ biểu hiện như một hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng dẫn đến tử vong.

Trong những năm gần đây SXH đã trở thành mối lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng quốc tế. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu toàn hiện có khoảng 2,5 tỷ người đang sống trong vùng có dịch.

Khác biệt giữa cảm sốt thông thường và SXH

Tờ JurisWay của Tây Ban Nha trích dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế Tây Ban Nha cho hay, SXH đang bùng phát mạnh tại quốc gia này, gây khó chịu, đau nhức cơ thể nhưng đôi khi triệu chứng của SXH lại giống như sốt thông thường. Các triệu chứng của 2 dạng bệnh này dễ bị nhầm lẫn vì đều do virus gây ra. Sốt cao, đau nhức các khớp và cơ bắp và mệt mỏi là chung cho cả hai bệnh. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai bệnh này là SXH là không có ho, đau họng và hắt hơi. Bệnh nhân bị SXH còn có biểu hiện đau sau mắt và sưng đỏ ở vú. Trong khi đó bệnh nhân bị nhiễm virus cúm thì khí quản và phổi là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Để tránh biến chứng ở cả hai dạng sốt này, người bệnh nên đi khám ngay khi có triệu chứng, vì chẩn đoán SXH ở giai đoạn cấp tính chỉ mang tính chất lâm sàng. Cơ thể bắt đầu sản xuất kháng thể chống lại virus và sẽ có thể được phát hiện sau mười hoặc 14 ngày nhiễm bệnh. Do đó, việc xem xét phải được thực hiện lại sau hai tuần để xác định. Virus SXH lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Aedes aegypti và chúng chỉ hoạt động và đốt vào ban ngày. Không có thuốc đặc trị cho SXH, vì vậy đầu ra để giảm bớt các triệu chứng thì nên uống nhiều nước và dùng thuốc để hạ sốt.

Giống như sốt siêu vi, SXH nếu không được điều trị kịp thời có thể kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm, như sốc do mất máu, biến chứng ở mắt, suy tim hoặc suy thận, tràn dịch màng phổi, hôn mê, tụt huyết áp và đau đầu dữ dội. Riêng phụ nữ mang thai nếu SXH thì có nguy cơ sẩy thai cao hơn nhóm người khác, nhất là những tháng đầu thai kỳ.

Đối với sốt phát ban, sốt siêu vi khác, bệnh nhân sốt cao nhưng sốt từng cơn, kèm các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như chảy nước mũi, đau họng, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban... Nguyên nhân do nhiều chủng virus gây bệnh khác nhau, thời gian phát bệnhtùy vào virus gây bệnh, có thể kéo dài 7 đến 10 ngày hay thậm chí là 2 tuần. Triệu chứng chính là sốt cao, từ 38 đến 39º, kèm dấu hiệu viêm đường hô hấp, bệnh về hệ tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, đau nhức cơ. Đường lây nhiễm là do tiếp xúc với vật đã nhiễm bệnh, từ quan hệ tình dục, dùng chung kim tiêm, truyền máu, chế phẩm máu không tiệt trùng; do sinh đẻ, mẹ truyền cho con...

Thực tế cho thấy, nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng sốt do nhiễm virus có nguy cơ dẫn đến một loạt biến chứng nghiêm trọng, như nhiễm trùng ở hệ hô hấp, viêm cơ tim và tổn thương não..

Tóm lại, với các đặc điểm sốt cao kèm đau nhức cơ, đau đầu, phát ban…ở SXH Dengue rất giống với các dạng sốt siêu vi hay sốt phát ban thông thường. Vì vậy cần theo dõi triệu chứng và các dấu hiệu đặc thù như các nốt nổi mẩn đỏ trong sốt phát ban sẽ biến mất nhanh sau khi thực hiện căng da. Nếu vết ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm thì có thể là SXH nổi mẩn đỏ. Để phân biệt các loại sốt, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu như Test Dengue ( ) dương tính và Test Dengue (-) âm tính.

Đối với SXH chủ yếu phòng ngừa muỗi vằn đốt, dùng thuốc chống côn trùng, loại bỏ môi trường giúp muỗi sinh sôi và phát triển như vệ sinh nhà cửa thường xuyên, phát quang bụi rậm, dọn dẹp nơi nước đọng… Nên ngủ trong mùng, mền; lắp lưới chống muỗi ở cửa sổ, cửa mở trong ngôi nhà có người sinh sống.



Sốt xuất huyết Dengue lặp đi lặp lại lại là lúc bắt đầu giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện và xử lý những biến chứng sớm. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, dùng paracetamol, lau người bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát…, uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường dinh dưỡng.


BS. BÍCH KIM
Ý kiến của bạn