Tuy nhiên, diễn biến của cảm cúm rất khó lường, thậm chí dẫn tới biến chứng và tử vong, do vậy cần phân biệt để theo dõi và điều trị bệnh phù hợp.
Cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Bệnh cảm cúm là do virut cúm A, B và C, với cúm A và B là các loại phổ biến nhất. Các chủng virut cúm đang hoạt động thay đổi theo từng năm. Đó là lý do vì sao mọi người nên tiêm ngừa vắc-xin cúm mỗi năm. Không giống như bệnh cảm thông thường, cảm cúm có thể phát triển thành một tình trạng nghiêm trọng hơn. Những đối tượng dễ mắc bệnh cúm gồm: trẻ dưới 5 tuổi hay người cao tuổi trên 65 tuổi. Phụ nữ đang có thai. Trường hợp mắc bệnh mạn tính kéo dài: bệnh hô hấp như hen, COPD, bệnh tim mạch như suy tim, bệnh gan, bệnh đái tháo đường... Trẻ vị thành niên sử dụng aspirin kéo dài. Nếu không được điều trị đúng cách, cảm cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm thanh khí phế quản cấp, biến chứng tim mạch, thần kinh...
Khi bị cảm lạnh thân nhiệt của người bệnh thường không tăng nhiều, ít có khả năng bị sốt, nếu có sốt thì sẽ sốt nhẹ nhưng với người bị cảm cúm sẽ có triệu chứng sốt, thân nhiệt tăng cao đến 39 - 400C, trẻ nhỏ bị cảm cúm sốt kéo dài tới 3 – 4 ngày.
Cả hai bệnh cảm cúm và cảm lạnh đều là bệnh thường gặp, với các triệu chứng tương tự nhau như sốt, viêm hô hấp trên... nhưng diễn tiến của bệnh có nhiều khác biệt cần theo dõi để xử trí phù hợp.
Các triệu chứng cảm cúm bao gồm: Khô rát cổ họng; Sốt từ vừa đến cao; Viêm họng; Cảm thấy rùng mình ớn lạnh; Đau nhức các cơ; Đau đầu; Nghẹt mũi và chảy nước mũi; Mệt mỏi kéo dài trên 2 tuần; Buồn nôn và nôn (phổ biến nhất ở trẻ em). Thời gian ủ bệnh cúm kéo dài 1 - 4 ngày, thời kỳ lây: có thể bắt đầu trước khi sốt 1 ngày, kéo dài tới 7 ngày ở người lớn thậm chí là nhiều tháng ở người bị suy giảm miễn dịch.
Nếu cảm lạnh, bạn sẽ có các triệu chứng sau: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; Viêm họng; Hắt xì; Ho; Nhức đầu hoặc đau cơ thể; Mệt mỏi nhẹ; Cảm lạnh thường kéo dài trong vài ngày và thường nhẹ hơn cảm cúm.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cảm cúm: Cách phòng ngừa cảm cúm hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin cúm. Đây là biện pháp chính để phòng ngừa và tránh các biến chứng nặng của cảm cúm. Hiệu quả phòng bệnh bắt đầu khoảng 2-3 tuần sau khi tiêm. Thời gian bảo vệ khoảng 6-12 tháng sau tiêm, do vậy cần tiêm nhắc lại mỗi năm để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
Những ai nên tiêm ngừa vắc-xin cúm: Đó là các trường hợp phụ nữ đang mang thai. Trẻ em, từ 6-8 tháng tuổi. Người già trên 65 tuổi. Người hiện đang mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, hen, COPD, HIV... Nhân viên y tế.
Cần tránh những hiểu biết sai lầm về bệnh cúm
Cúm chỉ là bệnh cảm lạnh thể nặng
Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virut gây ra và dễ dàng lan truyền qua các giọt nhỏ. Đây cũng là căn bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc và đối với một số nhóm người cụ thể như người già và trẻ nhỏ, nó có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được chữa trị kịp thời.
Một trong những quan niệm sai lầm nhưng phổ biến nhất là, bệnh cúm và cảm lạnh thông thường cùng là một chứng bệnh. Điều này được khẳng định là sai hoàn toàn. Trong khi bệnh cảm lạnh thông thường cuối cùng cũng tự hết thì bệnh cúm lại nghiêm trọng hơn.
Chỉ rửa nước cũng đủ làm sạch tay
Một trong những cách phòng cúm đơn giản nhưng hiệu quả là loại bỏ virut gây bệnh trên tay. Bình thường rửa tay bằng nước có thể đủ để loại bỏ chất bẩn nhìn thấy được, nhưng đối với các vi sinh vật là mầm bệnh vô hình trước mắt, bạn cần rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ chúng. Nên rửa tay trước và sau các bữa ăn, trước khi cầm nắm thực phẩm, trước khi chăm sóc người già và trẻ nhỏ, sau khi đi vệ sinh, sau khi xì mũi và sau khi chạm vào các bề mặt chia sẻ sự tiếp xúc như mặt bàn, nắm đấm cửa ra vào, tay vịn,... Nếu không có nước và xà phòng, bạn có thể dùng nước rửa tay khô để thay thế.
Người khỏe mạnh không cần phải tiêm phòng
Các chuyên gia khuyến nghị, người khỏe mạnh nên đi tiêm phòng cúm vì virut cúm hiện có khả năng biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn, trong khi hệ thống miễn dịch của chúng ta không phải lúc nào cũng ở tình trạng “cập nhật”. Do đó, tiêm phòng cúm hàng năm sẽ cung cấp cho chúng ta sự bảo vệ nhất định trước những mầm bệnh bất ngờ.
Người bị cúm không cần phải tới bác sĩ vì có thể tự chữa ở nhà
Bệnh cúm có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả nguy cơ cao bị viêm phổi, nếu không được chữa trị, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Hãy nghĩ tới gia đình, người thân và bạn bè của bạn. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải giúp họ tránh lây nhiễm cúm từ chúng ta bằng cách kiểm soát các triệu chứng từ sớm. Tốt nhất là bạn hãy tới thăm khám bác sĩ và tìm cách chữa trị ngay khi trải qua các triệu chứng giống cúm. Sau đó, bạn có thể nghỉ ngơi ở nhà và đeo khẩu trang cho tới khi hồi phục. Ít người nhận ra rằng họ có nguy cơ lây nhiễm cúm cho những người khác vì bệnh cúm rất dễ lan truyền.