1. Các loại nước mắt nhân tạo
Nước mắt nhân tạo là dược phẩm có thành phần mô phỏng thành phần của nước mắt tự nhiên, mục đích là giữ cho mắt được bôi trơn để ngăn ngừa tổn thương giác mạc và giảm các triệu chứng khô mắt.
Các sản phẩm nước mắt nhân tạo phần lớn được chia thành 2 loại:
- Có chất bảo quản: Nước mắt nhân tạo có chứa chất bảo quản giúp ngăn ngừa vi khuẩn và các vi sinh vật khác hình thành trong lọ sau khi mở nắp. Chất bảo quản thường không gây hại cho mắt nhưng có thể gây kích ứng nếu bị khô mắt ở mức độ trung bình hoặc nặng.
- Không chất bảo quản: Hầu như không có chất phụ gia nên hạn chế khả năng gây kích ứng hoặc dị ứng. Nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản được đóng trong lọ dùng một lần và đắt hơn nhưng là lựa chọn an toàn hơn cho người mắc khô mắt nghiêm trọng, người quá mẫn cảm với chất bảo quản hoặc những người cần nhỏ nhiều lần trong ngày.
2. Những lưu ý khi sử dụng nước mắt nhân tạo
- Nước mắt nhân tạo thường an toàn khi sử dụng nhưng cần sử dụng đúng cách. Trước khi sử dụng cần xem kỹ ngày hết hạn, hướng dẫn sử dụng và thời hạn sử dụng sau khi mở nắp.
- Đối với nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, với loại dạng tép chỉ nên dùng trong ngày. Vì sau khi mở nắp rất dễ bị nhiễm khuẩn. Đồng thời nên tránh thói quen dùng chung hoặc tái sử dụng sau khi mở nắp.
- Đối với nước mắt nhân tạo có chất bảo quản, thường chứa benzalkonium. Nếu nhỏ quá nhiều lần một ngày, benzalkonium có thể ức chế sự phát triển của tế bào giác mạc hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây viêm giác mạc. Nước mắt nhân tạo có chất bảo quản có thời hạn sử dụng lâu hơn nhưng cũng thường là dưới 1 tháng.
- Nước mắt nhân tạo là giải pháp giảm khô mắt tức thì nhưng không phải là thuốc điều trị khô mắt. Không nên lạm dụng, sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên hoặc quá mức khuyến nghị hàng ngày dẫn đến nguy cơ lệ thuộc khiến mắt càng khô thêm.
- Khi nhỏ nước mắt nhân tạo mọi người thường có thói quen ngửa đầu hoàn toàn về phía sau, nhưng tư thế này có thể khiến phần đầu lọ thuốc chạm vào mắt, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, khi nhỏ, chỉ cần ngửa đầu về phía sau khoảng 30 độ, dùng tay giữ mí mắt dưới rồi nhỏ vào mắt, cần rửa tay thật sạch trước khi nhỏ mắt.
- Nước mắt nhân tạo cũng có thể có tác dụng phụ như mờ mắt, ngứa, kích ứng, sưng tấy... tác dụng phụ toàn thân là đau đầu, phát ban, quá mẫn... Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, hãy ngừng sử dụng và đi khám bác sĩ ngay.
- Nếu sử dụng kính áp tròng, hoặc có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa trước khi sử dụng nước mắt nhân tạo: Đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng, đỏ ở một bên mắt, tầm nhìn hạn chế...
3. Lời khuyên để giảm khô mắt
Nước mắt nhân tạo không thể thay thế được nước mắt tự nhiên. Khô mắt là một bệnh tiến triển, nếu không có chế độ chăm sóc mắt thích hợp, khô mắt có thể dẫn đến tình trạng kích ứng mạn tính ở mắt, gây tổn thương giác mạc. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu đau mắt, khô, rát người bệnh nên đi khám sớm.
Để phòng ngừa khô mắt, những người làm việc nhiều trên máy tính nên uống nhiều nước, dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt vài giây khoảng 30 phút một lần. Chườm mắt bằng khăn ấm kết hợp massage vùng quanh mắt cũng góp phần giữ cho tuyến dầu quanh mắt được khỏe mạnh.
Giác mạc cũng là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp xúc với không khí khô hanh, ô nhiễm. Tránh để quạt, máy sưởi, điều hòa thổi trực tiếp vào mắt. Đeo kính khi ra ngoài làm giảm các kích thích bên ngoài tác động lên mắt. Hút thuốc, dù chủ động hay thụ động, cũng ảnh hưởng xấu đến độ ổn định của màng nước mắt.
Cũng cần lưu ý, một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ gây khô mắt bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, thuốc thông mũi, một số loại thuốc huyết áp, thuốc an thần, thuốc tránh thai… Mỹ phẩm là một nguyên nhân khác có thể gây khô và kích ứng mắt nên cần thận trọng khi sử dụng. Nếu các triệu chứng khô mắt tiến triển nặng hơn, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa hoặc chuyên gia y tế.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Đôi mắt nói gì về sức khỏe của bạn?