Phân biệt bệnh glôcôm (cườm nước) với đục thủy tinh thể (cườm khô)

28-12-2022 08:00 | Y học 360
google news

Tuổi già thường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý trong đó các bệnh lý về mắt thường được quan tâm hàng đầu. Trong đó, glôcôm và đục thuỷ tinh thể là hai bệnh lý thường bị nhầm nhẫn với nhau. Hãy cùng các bác sĩ của Bệnh viện mắt Hà Nội 2 phân biệt hai bệnh lý này nhé.

Glôcôm (Cườm nước)

photo-1671764560099

Mắt bị Glôcôm

Glôcôm (cườm nước) là tình trạng áp lực trong mắt tăng lên do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác.

Đục thuỷ tinh thể (Cườm khô)

Đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là tình trạng thủy tinh thể bị vẩn đục, không còn trong suốt như tấm gương làm ánh sáng khó đi qua, không hội tụ được ở võng mạc. Hầu hết các trường hợp mắc đục thủy tinh thể là do lão hóa hoặc các chấn thương làm thay đổi cấu trúc thủy tinh thể. Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra đục thủy tinh thể như tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím hay mắc một số bệnh lý nền ví dụ như đái tháo đường.

photo-1671764562235

Mắt đục thuỷ tinh thể

Phân biệt Glôcôm (cườm nước) và đục thủy tinh thể (cườm khô)

Glôcôm và đục thủy tinh thể đều là hai bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng và là hai nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực. Tuy đều ảnh hưởng đến thị lực nhưng glôcôm và đục thủy tinh thể lại có những dấu hiệu và mức độ ảnh hưởng đến thị lực khác nhau.

Triệu chứng bệnh

Glôcôm ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh tiến triển một cách từ từ. Tùy thuộc vào thể bệnh, khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng đau nhức vùng mắt, đau nửa đầu, nhìn thấy quầng xanh đỏ, chói sáng, nhìn mờ thoáng qua…. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân glôcôm có thể bị suy giảm đáng kể thị lực, mất một phần thị trường hoặc mất hoàn toàn thị lực. Phát hiện và điều trị sớm glôcôm là điều cần thiết để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.

Đục thủy tinh thể có các triệu chứng ban đầu như hình ảnh mờ nhòe, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn kém vào ban đêm, màu sắc bị sai khác… Bệnh tiến triển tương đối chậm. Ở giai đoạn nặng hơn, thủy tinh thể đục chín có thể gây tăng nhãn áp, đỏ mắt, đau nhức mắt và đau đầu và có thể gây mất thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể chưa cần điều trị, đục thủy tinh thể thường được chỉ định phẫu thuât khi ảnh hưởng đáng kể đến thị lực.

Nguyên nhân gây bệnh

Glôcôm có thể là do yếu tố di truyền trong gia đình, do tuổi tác cao, do có tiền sử các bệnh lý về mắt như: biến chứng tiểu đường, viêm nhiễm về mắt như viêm màng bồ đào,… Do các chấn thương mắt, do tác dụng phụ của việc thường xuyên dùng các thuốc corticosteroids hoặc là biến chứng sau phẫu thuật mắt.

Nguyên nhân của bệnh đục thủy tinh thể (cườm mắt) chính là sự lão hóa tự nhiên. Cùng với đó, stress, tia tử ngoại, vi khuẩn, ô nhiễm môi trường. Những người trên 40 tuổi sẽ có khả năng bị đục thủy tinh thể nhiều hơn do khả năng tự bảo vệ mắt lúc đó đã giảm đi nên dễ bị các yếu tố khác tác động. Một số nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể khác như: tuổi tác, bẩm sinh, nguyên nhân thứ phát như tăng nhãn áp, tiểu đường, dùng kéo dài thuốc corticoid, thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc trầm cảm; hoặc do chấn thương cũng gây nên bệnh đục thủy tinh thể.

Để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị các bệnh lý về mắt, chúng ta nên đi thăm khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng một lần tại các địa chỉ y tế uy tín. Ngoài ra cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho mắt để luôn có cửa sổ tâm hồn thật khoẻ mạnh nhé.

photo-1671764564630


PV
Ý kiến của bạn