Tôi được biết ngoài bệnh sởi còn có nhiều bệnh gây phát ban khác. Vậy xin bác sĩ cho biết cách phân biệt ban sởi với ban các bệnh khác để có cách xử lý thích hợp đối với từng bệnh?
Nguyễn Thị Thuận
(Bắc Giang)
Sởi là bệnh nhiễm virut cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh khởi đầu là sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt Koplik ở niêm mạc miệng, đó là một đốm trắng hoặc hơi xanh từ 1- 2mm có vòng sáng ban đỏ trên niêm mạc miệng, nó đặc trưng riêng của sởi. Ban sởi mọc từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh với tính chất: bắt đầu mọc ở đường diềm mái tóc 2 - 3 ngày trước rồi di chuyển xuống thân, không xuất hiện ở bàn tay và bàn chân. Ban lan ra toàn thân và kéo dài từ 4-7 ngày, có khi bệnh kết thúc trong tình trạng tróc vảy. Ban sởi cần phân biệt với các bệnh phát ban hay gặp như sau:
an Rubêôn (sởi Đức) cũng mọc từ đường diềm mái tóc nhưng khác sởi là ban bệnh này có xu hướng tan đi ở những vùng có ban lúc đầu khi di chuyển và có thể gây ngứa. Có thể có đốm Forchheimer (đốm xuất huyết ở vòm miệng) nhưng không đặc trưng cho bệnh.
Ban đỏ truyền nhiễm do parvovirus, gặp nhiều ở trẻ em từ 3 – 12 tuổi. Ban mọc sau khi đã hết sốt, dạng ban: đỏ, tái xanh trên má hay quanh miệng. Một loại ban gây ngứa mọc ngày hôm sau trên thân và chi, phát triển nhanh thành phát ban dạng lưới ren, lớn lên và tan đi sau 3 tuần.
Ngoại ban đột ngột thường gặp nhất ở trẻ em dưới 3 tuổi. Giống như ban đỏ truyền nhiễm, ban xuất hiện sau khi sốt đã giảm đi. Ban gồm những dát và sẩn màu hồng từ 2-3mm, ít khi dính kết, nổi ở thân và ở chi, không có ở mặt, ban tan dần trong vòng 2 ngày.
Ban do thuốc rất hay gặp và khó phân biệt với ngoại ban do virut. Ban do thuốc thường đỏ và ngứa nhiều hơn, sau khi ngừng loại thuốc đã gây phát ban, ban vẫn còn kéo dài đến 2 tuần.
BS. Trần Thanh Tâm