Hà Nội

Phản biện - Yếu tố quan trọng của báo chí

21-06-2024 11:26 | Xã hội

SKĐS - Trong thời đại 4.0, báo chí chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều phía để giữ chân độc giả. Tờ báo hay tạp chí nào có nội dung phản ánh, giám sát và phản biện xã hội trung thực, kịp thời, sát sao và sâu sắc thì ấn phẩm đó sẽ có nhiều người đọc.

Một tờ báo hay tạp chí muốn tồn tại và phát triển phải có bạn đọc. Bạn đọc thực sự nhiều hay ít là minh chứng cho sức sống, tính hấp dẫn của tờ báo hay tạp chí đó. Vậy thì, cái gì tạo nên sự thu hút bạn đọc từ ấn phẩm của mình? Ai cũng có thể trả lời đúng câu hỏi này, đó là báo hoặc tạp chí phải hay về nội dung, đẹp về hình thức và đương nhiên tạo được nét riêng khó lẫn của mình. Bác Hồ từng nói rằng: "Một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo, phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem"…Hiểu được, hiểu đúng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh không khó, nhưng để thực hiện như Người căn dặn chẳng dễ chút nào.

Thời đại 4.0, giữa một thế giới "siêu phẳng" như hiện nay, tờ báo, tạp chí nào cũng phải sống trong sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều phía. Tờ báo hay tạp chí nào có nội dung phản ánh, giám sát và phản biện xã hội trung thực, kịp thời, sâu sát và sâu sắc thì ấn phẩm đó sẽ có nhiều người đọc. Trong đó, sự phản biện là một yếu tố rất quan trọng nếu như không muốn khẳng định là sự sống còn của báo chí hiện nay. Những ấn phẩm báo chí nhàn nhạt, phẳng lặng, thiếu tính phản biện thì sẽ rất khó hút được công chúng về phía mình. Tất nhiên, phản biện không phải là mượn danh báo chí để viết hay nói bừa bãi, hồ đồ, vu khống, bôi đen, lấp liếm, đánh tráo khái niệm, sự vật, hiện tượng theo chủ định đen tối, xấu xa làm tổn hại đến danh dự, lợi ích của đất nước và dân tộc hoặc tổ chức, cá nhân.

Phản biện - Yếu tố quan trọng của báo chí- Ảnh 1.

Vượt lên mọi điều kiện thời tiết để tác nghiệp.

Là người làm báo nên hiểu đúng, hiểu sâu nội hàm của phản biện. Không gì khác, đó chính là quá trình sử dụng lập luận, chứng cứ và logic để đối luận với một quan điểm, một ý kiến hay một tuyên bố nào đó. Nó liên quan mật thiết đến việc cung cấp lý do và bằng chứng để xác định rằng quan điểm, hiện tượng, sự việc nào đó là sai hoặc thiếu tính hợp lý về khoa học và thực tiễn. Người phản biện phải có tư duy phản biện. Ðó chính là quá trình tư duy biện chứng bao gồm việc phân tích, đánh giá một thông tin đã có, một vấn đề đã được đặt ra theo cách nhìn khác nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của nó. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, nắm đủ bằng chứng một cách tỉ mỉ và không chủ quan. Sự thẳng thắn, công tâm cũng là yêu cầu không thể thiếu của người phản biện.

Phản biện là nhu cầu khách quan của sự tiến bộ xã hội. Và, báo chí đang ngày càng thể hiện được việc thực hiện chức năng phản biện xã hội của mình. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và hệ sinh thái truyền thông online, việc tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng phản biện của báo chí là vấn đề có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp thiết.

Môi trường truyền thông số đã và đang tạo ra những khả năng siêu kết nối, siêu tương tác xã hội. Trước những vấn đề kinh tế - xã hội, nếu báo chí không chủ động nêu và phản biện xã hội để góp phần xây dựng, thì mạng xã hội cũng đã và sẽ lên tiếng và báo chí sẽ đánh mất vai trò trung tâm, vị trí nền tảng trong khơi nguồn, chi phối dư luận xã hội. Do đó, trên mặt trận thông tin này, báo chí phải luôn chủ động tạo luồng ý kiến chính thức, chính thống với tinh thần phản biện khoa học, chính trực trên cơ sở các luận điểm, luận cứ, luận chứng thuyết phục. Ðây chính là cơ sở vững chắc để báo chí chính thống giữ vững vai trò làm chủ, chiếm lĩnh "trận địa" thông tin trên mạng xã hội.

Phản biện - Yếu tố quan trọng của báo chí- Ảnh 2.

Nhà báo tác nghiệp tại sự kiện. (Ảnh minh họa)

Báo chí cần tính phản biện. Khi phản biện thì phải giữ vững tính xây dựng, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Báo chí cần nhận thức sâu hơn, chủ động thực hiện vai trò phản biện xã hội, cũng như trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra, tránh bị động, đi sau…

Cuộc sống đa chiều và vô cùng phong phú. Tính chất phức tạp của đời sống con người, của chuyển động xã hội là điều không lạ. Nó luôn luôn đan cài cái tốt và cái xấu, cái hay và cái dở, cái trong và cái đục vào nhau. Nên nhớ rằng, không phải bao giờ chúng ta cũng dễ dàng nhận ra được bản chất, cốt lõi của vấn đề, sự việc, hiện tượng.

Một vấn đề, một sự việc, hiện tượng chịu nhiều góc nhìn khác nhau, đó cũng là điều bình thường. Ðiều cần nói hơn, xã hội mà tiên phong là báo chí cần phải nêu cao tinh thần phản biện nhằm làm sáng tỏ sự đúng, sai một cách khoa học và công tâm nhất. Trước hiện thực bộn bề, nếu như báo chí không đấu tranh với cái sai và kiên quyết bảo vệ cái đúng thì không còn là báo chí. Cái sai cứ thế tiếp tục tồn tại dài lâu và cái đúng lại bị chìm khuất hoặc bị dập vùi rất đáng tiếc.

Với người làm báo, lòng có trong thì bút mới sắc, tâm địa tăm tối khó có được những bài viết sắc sảo đúng đắn vì đất nước, vì nhân dân. Tính nhân văn của yếu tố phản biện trong báo chí là ở đó. Nó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho số đông, không vì tiền bạc của cải hay những hưởng thụ được ban dụ khác mà nhắm mắt uốn cong ngòi bút. Nhân dân mong đợi các nhà báo cách mạng ở sự trung thực, tinh thần dũng cảm, dám viết và nói đúng điều mình thấy, mình nghĩ, không quanh co dối trá. Bằng các tác phẩm báo chí phản ánh được thực trạng đất nước một cách chính xác nhất, kể cả cái tốt và cái chưa tốt, nêu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, dám phản biện với những ý kiến, những vấn đề mà mình và số đông thấy chưa thuyết phục. Ðội ngũ nhà báo thực sự là lực lượng đi đầu trong chống tham nhũng, tiêu cực; Phát hiện ngợi ca làm lan tỏa những việc tốt, người tốt trong xã hội; Làm nhịp cầu nối tin cậy giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân là nhiệm vụ cao cả của nhà báo. Tuy nhiên, phản biện là một công việc không kém phần quan trọng của đội ngũ nhà báo. Với người làm báo, thiếu cái đó là thiếu một nửa phẩm chất đạo đức và trình độ nghiệp vụ.

Người phản biện có bản lĩnh vững vàng, lý lẽ sắc bén, nắm chắc thực tiễn mới thuyết phục được đối tượng cần phản biện. Do đó, nhà báo cần trau dồi đạo đức tư cách chuẩn mực và tinh thông nghiệp vụ. Hy vọng, các báo và tạp chí sẽ tiếp tục coi trọng và tăng cường phản biện trên ấn phẩm xuất bản của mình với tinh thần nhìn thẳng nói thật vì Tổ quốc và nhân dân.



Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn