Phạm Tuyên Nhạc sĩ tình trường

17-03-2012 17:05 | Văn hóa – Giải trí

Là nghệ sĩ có phong thái nho nhã, mực thước nhưng vô cùng hấp dẫn không chỉ bởi vóc dáng đàn ông mà còn bởi vầng hào quang của những bài hát nổi tiếng, Phạm Tuyên không “dính” vào các câu chuyện tình xì-căng-đan là một sự lạ.

Là nghệ sĩ có phong thái nho nhã, mực thước nhưng vô cùng hấp dẫn không chỉ bởi vóc dáng đàn ông mà còn bởi vầng hào quang của những bài hát nổi tiếng, Phạm Tuyên không “dính” vào các câu chuyện tình xì-căng-đan là một sự lạ.

Đầu xuân gặp gỡ

Mưa xuân giăng mắc khắp phố phường Hà Nội, mưa và lạnh khiến cho con phố Vạn Bảo như nhỏ lại. Nhạc sĩ Phạm Tuyên húng hắng ho nhưng vẫn ngồi đàn trong căn phòng ấm áp ở tầng 3 nhà N2. Được biết trước Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, chúc Tết nhạc sĩ tại nhà riêng. Tổng Bí thư chúc nhạc sĩ và gia đình bước sang năm mới dồi dào sức khỏe, tiếp tục đóng góp tâm sức, trí tuệ và tài năng cho nhân dân, đất nước. Cũng tại căn phòng này, nhạc sĩ Phạm Tuyên sau khi nhận quà của Tổng Bí thư đã cảm ơn và xúc động tặng lại Tổng Bí thư 3 cuốn sách mới xuất bản: Phạm Quỳnh: Hoa Đường tùy bút và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ và hai cuốn viết về học giả Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh – một góc nhìn của TS sử học Nguyễn Văn Khoan; Phạm Quỳnh, con người và thời gian của tác giả Khúc Hà Linh.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên như trẻ lại, gương mặt ông rạng rỡ khi nói về học giả Phạm Quỳnh, cha ông, về lịch sử và những điều công bằng. Ông nhẩn nha đọc câu thơ của Lê Đạt: Lịch sử muôn đời duyệt lại/ không ai lừa được cuộc đời rồi kể lại những năm tháng cuộc đời của mình… Trước hết nói về cha với cuốn sách mới xuất bản năm 2012. Hoa Đường tùy bút là 11 bài viết cuối cùng của Phạm Quỳnh với Thế thái nhân tình; Muốn sống; Chỉ buộc chân voi; Văn học và chính trị; Vô duyên; Chuyện một đêm, một ngày; Con người hiểm độc; Anh chàng khoác lác; Lão Hoa Đường; Thiếu Hoa Đường; Tư tưởng Keyserling Cô Kiều với tôiHoa Đường tùy bút là một tuyệt bút của cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh, một tập hợp những bài viết cốt để ghi nhớ, để xua đi cái buồn tẻ thế sự, để chiêm nghiệm nhân sinh cùng đại thi hào Nguyễn Du và Đỗ Phủ.

 Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Một lối viết giản dị, mộc mạc, lưu giữ ký ức cuối đời, song vẫn thể hiện rõ “thái độ ôn hòa, nho nhã” nhưng rất tâm huyết, dồn chứa nhiều ý tưởng, tâm trạng của một con người - nhà văn hóa luôn đau đáu về nhân tình thế thái. 51 bài thơ Đỗ Phủ viết về hoàn cảnh đất nước loạn li, không biết đi đâu, về đâu được Phạm Quỳnh chọn dịch, có lẽ tâm trạng của Đỗ Phủ cũng là tâm trạng, suy nghĩ ngày ấy của người dịch.

Cuộc trò chuyện giúp chúng tôi hình dung rõ hơn một ông chủ bút tạp chí Nam Phong (khi mới ngoài 20 tuổi), người sáng lập, đồng thời là Tổng thư ký Hội khai trí Tiến Đức. Trước đây, Phạm Quỳnh là một hiện tượng gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu, đánh giá, có người coi ông là tay sai đắc lực của thực dân Pháp, có tội với nhân dân. Song, trời mỗi ngày mỗi sáng, học giả, trí thức trong và ngoài nước đều đã nhìn nhận Phạm Quỳnh là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước, người đi đầu trong công cuộc quảng bá chữ quốc ngữ, người để lại chữ nghĩa là các công trình học thuật.

Ảnh hưởng truyền thống… 

Là con thứ 9 trong gia đình có 16 anh chị em (3 người mất từ khi còn nhỏ), nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng như anh chị em của mình đều lấy gương tự học, từ rèn của cha mà trưởng thành. GS.NGND. Phạm Khuê - người sáng lập khoa Người cao tuổi, tiền thân của Viện Lão khoa quốc gia Việt Nam và làm Viện trưởng đầu tiên của Viện, chủ tịch đầu tiên của Hội Người cao tuổi Việt Nam, đại biểu quốc hội khóa X cũng là bậc thầy về phương pháp và phong cách giảng dạy y học. Nếu hai ông được người trong nước biết đến nhiều thì một số người khác trong gia đình Phạm Quỳnh lại được biết đến ở nước ngoài. Đàn ông thì thành tài, đàn bà có được chồng danh giá.

Truyền thống đã giúp họ có được chí khí và năng lực nhưng với Phạm Tuyên và gia đình nhỏ của ông thì không hẳn như vậy. Vợ ông - PGS.TS. Nguyễn Ánh Tuyết, chuyên ngành tâm lý học, chủ nhiệm khoa Giáo dục Mầm non trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả của 18 bộ giáo trình giảng dạy, 40 năm giảng dạy và viết bài cho nhiều tạp chí khoa học, giáo dục…, là con gia đình liệt sĩ. Thời còn trẻ, họ gặp biết bao sóng gió khi đến với nhau.
 
Những nghi kỵ xã hội còn nặng nề, yêu nhau, lập gia đình với nhau, họ phải vượt qua những thử thách khốc liệt. Lẽ ra, Phạm Tuyên được gửi du học dài hạn ở Nga và Trung Quốc nhưng rồi lý lịch bố là quan lại, nợ máu nên phải ở nhà. Cái tinh thần tự học vừa giúp cho Phạm Tuyên đứng vững trên đường sáng tác, vừa tránh cho những sáng tác ấy không bị Nga hóa, Tàu hóa như một số tác giả.  

Nghệ sĩ tình trường…

Phạm Tuyên thường nói rằng sở dĩ ông có nhiều cảm hứng viết cho thiếu nhi (gần 200 bài) là nhờ có người bạn đời là một người nhân hậu, có kiến thức của một giáo sư tâm lý học. Bà và 2 cô con gái là nguồn khơi gợi cho ông những cảm hứng đề tài thiếu nhi. Sắp tròn 3 năm ngày giỗ của bà, ông kể, sinh thời, khi trả lời phỏng vấn báo chí, bà cũng luôn nói rằng, ông là chỗ dựa lớn của bà, là người đồng cảm và giúp đỡ bà trên con đường sự nghiệp. Luận văn tiến sĩ của bà, ông đánh máy, góp ý, sửa sang… Bây giờ, sống một mình, mỗi cô con gái mỗi buổi lại về chăm sóc bữa ăn, thức uống cho ông.

Là nghệ sĩ có phong thái nho nhã, mực thước nhưng vô cùng hấp dẫn không chỉ bởi vóc dáng đàn ông mà còn bởi vầng hào quang của những bài hát nổi tiếng, Phạm Tuyên không “dính” vào các câu chuyện tình xì-căng-đan là một sự lạ. Cũng không ít người thầm yêu trộm nhớ ông, có người ở Thanh Hóa còn xui con gái viết thư nhận ông là bố. Sau phải nhờ công an địa phương giải quyết chuyện “nhận lầm” mới chấm dứt. Vợ ông chính là người nhận được bức thư ấy, quãng những năm 80, nghĩa là lúc đó họ còn rất trẻ. Vẫn dạt dào xúc cảm nghệ sĩ để sáng tạo, nhưng vẫn một mực thủy chung với một người là điều chẳng dễ dàng gì. Song, khi biết về vợ ông, về truyền thống danh giá của gia đình ông thì người đời hiểu rằng, sự lạ nằm ở đấy.              

  Trần Thị Trường


Ý kiến của bạn