Phạm nhân ngoài trại giam sắp được dạy nghề, tăng cơ hội tìm việc khi tái hòa nhập cộng đồng

03-06-2022 10:56 | Thời sự

SKĐS - Sáng 3/6, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự đã bị bắtPhạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự đã bị bắt

Công an tỉnh Thanh Hoá xác nhận, phạm nhân Triệu Quân Sự đã bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Hà Trung.

Được trả một phần công lao động

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.

Phạm nhân ngoài trại giam sắp được dạy nghề, tăng cơ hội tìm việc khi tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 2.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt. Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam…

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc: một là, đảm bảo an toàn, có hiệu quả công tác cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng và tạo điều kiện cho phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án; hai là, phạm nhân tham gia trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động; ba là, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; bốn là, miễn thuế cho tổ chức hợp tác để hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng

Trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội…

Phạm nhân ngoài trại giam sắp được dạy nghề, tăng cơ hội tìm việc khi tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết, trong đó đã xác định rõ mô hình thí điểm, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thực hiện thí điểm. Về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc, giao thẩm quyền cho Bộ Công an sẽ phù hợp với tính chất của Nghị quyết thí điểm.

Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, Ủy ban Tư pháp cho rằng, về cơ bản nội dung quy định này đã bao quát đầy đủ quan điểm chỉ đạo cũng như các yêu cầu đặt ra trong việc thí điểm, phù hợp với các luật và điều ước quốc tế có liên quan. Trong đó, mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm an toàn, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo và giúp phạm nhân tìm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Ngoài những nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết và dự thảo văn bản quy định chi tiết để bảo đảm thống nhất về nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản theo quy định của pháp luật.

Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Giải mã nụ cười tươi rói của siêu vượt ngục Triệu Quân Sự sau mỗi lần bị bắt | SKĐS



Nhóm PV
Ý kiến của bạn