Hà Nội

Phạm Ngọc Thạch cuộc đời và sự nghiệp

19-03-2016 08:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bộ Y tế và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp xuất bản sách: Phạm Ngọc Thạch, cuộc đời và sự nghiệp. Sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 106 năm ngày sinh và 47 năm ngày mất của Anh hùng Lao động...

Bộ Y tế và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp xuất bản  sách: Phạm Ngọc Thạch, cuộc đời và sự nghiệp. Sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 106 năm ngày sinh và 47 năm ngày mất của Anh hùng Lao động, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một đảng viên cộng sản ưu tú, một trí thức Việt Nam tiêu biểu, một Bộ trưởng Y tế tận tụy, người thầy của nhiều thế hệ cán bộ y tế Việt Nam, người đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế đã viết lời giới thiệu sách.

Sách giới thiệu: Tóm tắt  tiểu sử BS. Phạm Ngọc Thạch, bài Điếu văn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc tại Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội ngày 16/12/1968.

Phần I: Phạm Ngọc Thạch sống mãi trong lòng bạn bè, đồng chí và đồng nghiệp  gồm nhiều bài viết của các vị giáo sư, các  Bộ trưởng, Thứ trưởng, nhân sĩ trí thức và cán bộ, thầy thuốc ngành y tế  nhớ về cố Bộ trưởng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, sinh ngày 7/5/1909, tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1928, ông là sinh viên Trường đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1934, tốt nghiệp Bác sĩ y khoa tại Pháp. Sau hai năm, ông trở về Sài Gòn, mở phòng khám và bệnh viện tư chuyên chữa bệnh lao và bệnh phổi.

BS. Phạm Ngọc Thạch là một trí thức có tên tuổi trong giới thượng lưu ở Sài Gòn, xuất thân từ gia đình hoàng tộc quyền quý, được người Pháp và người Nhật kính nể, đã tham gia cách mạng rất sớm. Ông đã đứng ra tổ chức Thanh niên tiền phong, một lực lượng hùng hậu làm nòng cốt cho phong trào quần chúng cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Ông là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945 - 1/1946). Từ năm 1954, ông là Thứ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn (1954-1958) rồi là Bộ trưởng Bộ Y tế (1958-1968). Ông đã xây dựng một nền y tế nhân dân ở miền Bắc, đề xuất năm phương châm nguyên tắc của ngành, đó là phương hướng chiến lược của ngành y tế. Ông là một Bộ trưởng đi xuống cơ sở nhiều nhất, từ các xã đồng bằng đến các vùng rẻo cao cho đến tận cổng trời ở Hà Giang.

Không những đề cao phong trào vệ sinh phòng bệnh, ông đã hết sức chăm lo việc phát triển các cơ sở chữa bệnh từ Trung ương đến hầu hết các huyện xã, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân, trong hoàn cảnh rất khó khăn thiếu thốn của hậu phương lớn lúc bấy giờ.

Công lao của ông đối với ngành y tế miền Nam thật là to lớn. Hơn ai hết, ông quan tâm đến chiến trường miền Nam, ngay từ sau năm 1955, ông đã tập hợp cán bộ miền Nam, phần lớn là y tá, để bổ túc thành y sĩ rồi bác sĩ, cũng như bổ túc dược tá thành dược sĩ trung học, rồi dược sĩ đại học và cử đi vào chiến trường.

Bác sĩ, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch có cuộc sống thật giản dị, thanh đạm, đầu trần, áo ngắn tay, chân đi dép râu, tự mình lái xe, ngồi ăn phở của các quán hàng bên hè phố. Hằng ngày, ông dậy sớm, tập thể dục, đến giải quyết các việc cấp bách ở Bộ, đi thăm sức khỏe cán bộ lãnh đạo, đi họp, đến bệnh viện, khám các bệnh nhân nặng, rồi trở về cơ quan giải quyết công việc, tối về nhà ăn bữa cơm đạm bạc, một liễn cơm nguội với thịt xào mắm ruốc, rồi đọc sách viết bài đến tận khuya.

Phần II: Giới thiệu một số tác phẩm gồm các bài viết về cơ sở lý luận của y học Việt Nam, về chuyên khoa Lao và Bệnh phổi và một số hình ảnh hoạt động của BS. Phạm Ngọc Thạch.

Cuộc đời và sự nghiệp của BS. Phạm Ngọc Thạch là một tấm gương về lòng nhân hậu, làm việc chí công vô tư, thanh bạch, liêm khiết, mẫu mực và tận tụy vì người bệnh. Tên tuổi và sự nghiệp của Anh hùng Lao động, Bộ trưởng Bộ Y tế, BS. Phạm Ngọc Thạch sẽ còn sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của ngành, là tấm gương cho nhiều thế hệ thầy thuốc hiện nay và mai sau.


Trần Giữu
Ý kiến của bạn