Phạm Hoa, nhà văn Trường Sơn về ‘Miền xa thẳm’

24-05-2021 13:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Thế mà, anh đã ra đi. Lặng lẽ ra đi về Miền xa thẳm” – Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ khi hay tin nhà văn Phạm Hoa vừa rời cõi tạm.

Nhà văn Phạm Hoa sinh năm 1952, quê Thanh Hoá. Ông vừa qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi. Với những cây bút trong thời chiến “xẻ dọc Trường Sơn” cứu nước, ai cũng biết Phạm Hoa.

               Nhà văn Phạm Hoa (1952 - 2021)          Ảnh: Mai Phương 

Ông nhập ngũ vào Trường Sơn năm 1971 và trở thành chiến sĩ lái xe gan dạ thuộc Đại đội 170, Tiểu đoàn 76, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571 Trường Sơn. Sau đất nước thống nhất, Phạm Hoa được cử đi học trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên (tiền thân của Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội ngày nay). Trước khi nghỉ chế độ, Phạm Hoa mang quân hàm Đại tá, từng là Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị.

Trong hoạt động sáng tác, Phạm Hoa có các tác phẩm tiêu biểu như: Ngày không bình thường (tập truyện ngắn, 1984), Đừng quên mùa hoa săng lẻ (truyện ngắn, 1986), Mỗi thời của họ (truyện ngắn, 1993); Đùa của tạo hoá (truyện ngắn, 1996), Miền xa thẳm (tiểu thuyết, 2002); Thuyền lên Thạch Hãn (ký, 2016); Nhốt con chim bắt cô (tiểu thuyết, 2018).

Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - cộng tác viên thân thiết của Sức khỏe & Đời sống, Phạm Hoa vào bộ đội từ năm 1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang hồi ác liệt. Ông là một người lính Trường Sơn thực thụ, một nhà văn có tài. “Văn anh sáng, luôn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chiến tranh hay hòa bình đều thế. Sáng và đẹp” – nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận xét.

Nhà văn Phạm Hoa (đứng giữa), nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (thứ 2 từ trái sang) trong Đại hội đại biểu Hội VHNT Trường Sơn lần thứ 1 

Phạm Hoa cùng Nguyễn Hữu Quý và các văn nghệ sĩ khác đã chung sức, chung lòng lập nên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, trong đó tác giả  tiểu thuyết Miền xa thẳm là Phó Chủ tịch của Hội. Dù bệnh tật, không trực tiếp tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Hội nhưng Phạm Hoa luôn cổ vũ, động viên các thành viên: “Cố lên nhé. Chúng ta làm gì tốt cho đồng đội, cho Trường Sơn thì nên làm”.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết thêm, Hội VHNT Trường Sơn dự định tháng 9/2021 sẽ mở Trại viết lần thứ hai và mời Phạm Hoa đến trao đổi kinh nghiệm viết văn xuôi. “Thế mà, anh đã ra đi. Lặng lẽ ra đi về Miền xa thẳm. Có vẻ như anh đã bình tĩnh chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi này. Thôi, anh nhé, anh đã góp cho đời những ngày sống đẹp, những trang văn đẹp. Cũng đủ cho gia đình, đồng đội, bè bạn ghi dấu tấm lòng và bút lực của anh” – nhà thơ Nguyễn Hữu Quý bùi ngùi chia sẻ.

Đến với con đường văn chương, nhà văn Phạm Hoa đã được giải nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (1982), giải ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (1991), Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2003)… Ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Nhà văn Phạm Hoa chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Có thể nói, mảng đề tài Trường Sơn đã đem lại cho ông thành công hơn cả. Cuốn Miền xa thẳm là tiểu thuyết thành công nhất. Ông cũng có nhiều truyện ngắn hay, trong đó nổi bật hơn cả là truyện Một ngày không bình thường viết về cuộc sống chiến đấu của 5 cô gái thông tin trên đèo Văng Mu - một trong những trọng điểm ác liệt của Trường Sơn. 5 cô gái đã sống và chiến đấu gian khổ, vượt qua biết bao bom đạn ác liệt của kẻ thù để giữ vững thông tin liên lạc, mà vẫn giữ nét trong sáng và vô tư của tuổi thanh niên với bao khát vọng... Ngòi bút của anh mô tả họ là những người đã và đang "làm chủ" cuộc sống trên trọng điểm ác liệt này. Họ chính là một phần của Trường Sơn huyền thoại...


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn