Gặp ông ngoài đời, chắc chắn nhiều người sẽ bất ngờ. Bởi hoàn toàn khác với một Phạm Bằng tưng tửng trong những vai diễn gây cười từ cách biểu cảm đến những lời thoại được nhấn nhá đầy ý nghĩa, mà là một Phạm Bằng trầm tĩnh, sâu lắng và nho nhã kiểu người Hà Nội xưa, một Phạm Bằng cẩn trọng trong từng câu nói. Cũng không mấy ai biết rằng, người nghệ sĩ luôn mang đến tiếng cười, niềm vui cho người khác, lại là người từng trải qua bao sóng gió, thăng trầm, nhưng vẫn luôn tự tại, an nhiên, để không chỉ sống vui mà còn truyền cảm hứng lạc quan và vũ khí đấu tranh, phê phán cái xấu cho công chúng.
Không phải ai cũng biết rằng, người nghệ sĩ được công chúng yêu mến ấy vốn lựa chọn nghề diễn chỉ là do sau khi khao khát cháy bỏng được trở thành phi công bay trên bầu trời bát ngát không thành.
...Năm 1959, Phạm Bằng thi vào Đoàn Văn công Hà Nội. Ông chọn vào đây, để vừa học, vừa làm, nhằm có tiền sinh sống. Với hoàn cảnh gia đình thuộc diện tư sản cần cải tạo, nên do những định kiến khi đó, cuộc sống của Phạm Bằng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có khả năng diễn xuất, nhưng ông không được đánh giá đúng mức để có các vai chính, mà chỉ được nhận các vai phụ. May mắn, về sau, tài năng của ông vẫn được đạo diễn danh tiếng Nguyễn Đình Nghi phát hiện ra và giao cho ông nhiều vai diễn. Chính những vai phản diện mà ông thể hiện xuất sắc đã làm nên tên tuổi Phạm Bằng thời kỳ này.
Sau 4-5 năm lăn lộn với nghề, tài kịch nghệ của ông đã được khẳng định qua các vai chính trong các vở Đêm tháng 7, Hà Nội - những ngày đầu 46, Bà mẹ và những người con... Ông từng tự hào kể, có khán giả chỉ vì mê vai chàng sĩ quan trong vở Đêm tháng 7 do ông đóng, mà mua vé đi xem tới vài ba chục lần. Thế nhưng, mẹ ông lại rất phản đối việc ông theo nghề diễn. Bà cụ không chỉ thường gọi ông là “anh kép hát”, mà còn không bao giờ xem con trai diễn.
NSƯT Phạm Bằng là tấm gương lao động nghệ thuật hết mình.
Vốn xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng giờ đây Phạm Bằng lại phải trải qua những tháng ngày cơ cực. Là người khá thành công, nhưng nhiều năm liền ông vẫn không được nâng lương, trong khi cuộc sống gia đình trông vào đồng lương còm của người nghệ sĩ trẻ. Sau những giờ vào các vai diễn hào nhoáng dưới ánh đèn sân khấu, ông lại trở về với cuộc sống chật vật ngoài đời. Ông bảo, ông không bao giờ có thể quên được những tháng ngày vợ ông ốm đau, nằm viện tới nửa năm. Đời sống đã khó khăn càng thêm khó khăn. Hàng đêm, mọi người đi diễn về nghỉ ngơi, còn ông sau khi trút “mũ áo xênh xang” cũng đã 1-2 giờ sáng, là lại lao vào viện để chăm sóc vợ. Thuở ấy, ông từng khao khát mỗi sáng có được một bát phở cho vợ, nhưng chỉ là khao khát. Có lẽ cảm vì tấm lòng của ông, mà bà đã hết sức níu lại sự sống, để tiếp tục đồng hành cùng ông những năm tháng cay đắng và ngọt ngào trên đường đời.
Thương hoàn cảnh ông quá khó khăn, đơn vị đã ưu tiên cho ông được trông xe đạp để kiếm thêm thu nhập. Thế là sau mỗi đêm diễn, ông lại vội vàng ra cổng cùng vợ trả xe cho khách. Để kiếm tiền nuôi vợ con, ông không ngần ngại nhận thêm cả việc kéo xe chở đồ của đoàn những khi đi diễn xa. Gò lưng kéo xe về đến nơi là trời sáng, để lại bắt đầu một ngày làm việc quần quật.
Bất chấp những khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất, nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn kiên tâm với nghề đã chọn. Mỗi khi nhận vai diễn, ông đều nghiền ngẫm kịch bản thật kỹ, tìm tòi lối diễn ấn tượng nhất với khán giả, khẳng định tài năng của mình. Sau 1975, ông chuyển sang Nhà hát Kịch Việt Nam. Tài năng của ông ngày càng có cơ hội thể hiện nên ngay khi có truyền hình, ông cũng là một trong những diễn viên đầu tiên được mời đóng phim. Chính ở Nhà hát Kịch Việt Nam, ông đã được NSND.GS. Nguyễn Đình Quang phát hiện ra khả năng đóng hài, nên đã giao cho ông những vai diễn hóm hỉnh, gây cười nhưng mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đạo diễn Trần Hoạt cũng đánh giá cao khả năng diễn hài của Phạm Bằng.
Phát huy được ưu điểm này, ông đã thành công mỹ mãn để rồi thêm tự tin đi sâu vào nghiên cứu hài kịch. Ông nhận ra sức mạnh và hiệu quả tuyên truyền lớn lao của hài kịch đối với cuộc sống trong việc châm chọc thói hư tật xấu của con người, nên tiếng cười trên sân khấu của ông được nhân dân đặc biệt yêu thích. Ông cũng quan niệm, có nhiều tiếng cười, con người sẽ hồ hởi với cuộc sống hơn.
Trở thành một diễn viên hài nổi tiếng đến mức người ta chỉ nhìn thấy đã muốn cười như hôm nay, là một hành trình tìm tòi và sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ để vươn lên, khẳng định mình trong nhịp sống sân khấu cả nước luôn sôi động với hàng vạn nghệ sĩ. NSƯT Phạm Bằng từng tâm sự, qua mỗi vai diễn của chính mình và của đồng nghiệp, ông hiểu rằng, để diễn được hài kịch không thể thiếu cái duyên trời cho, cũng như kiến thức văn hóa và năng lực quan sát tinh tế, vốn sống phong phú. Nhưng nếu không học hỏi, nghiên cứu để vai diễn hòa quyện một cách nhuần nhuyễn những cái vốn đó, thì diễn viên dễ bị chính khán giả cười nhạo vì sự lố bịch chứ không phải vì những gì mà anh ta muốn mang đến cho khán giả. Đặc biệt, muốn khán giả xúc cảm thì trước hết, người diễn viên phải xúc cảm trước, mà là những xúc cảm chân thực, bởi hài kịch còn đòi hỏi sự chân thực hơn cả chính kịch. Điều này càng đòi hỏi cái gốc văn hóa của người diễn viên để “tiêu hoá”, điều tiết được những gì mình cảm nhận.
Hình như những người đóng hài kịch thành công lại thường là người nếm trải nhiều thăng trầm trong cuộc sống với những nỗi niềm, trăn trở riêng. Có lẽ chính những đắng đót cuộc đời lại góp phần quan trọng để NSƯT Phạm Bằng nhìn thấu mọi điều qua lăng kính mà mình trải nghiệm, giúp ông tạo nên hiệu quả bất ngờ cho vai diễn. Quan điểm nghệ thuật của NSƯT Phạm Bằng cũng rất rõ ràng và đáng kính, đã xuyên suốt và làm nên thành công cho các vai diễn của ông: Quan sát tinh tế và thể hiện cuộc sống khách quan, chứ không tô hồng và cũng không bôi đen.
Ông là người đã dùng nghệ thuật để châm chọc thói hư tật xấu trong xã hội rất hiệu quả với một niềm tin sâu sắc: “Rồi đến một lúc, tiêu cực sẽ bị tiêu diệt, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, nhất là khi hiểu biết của nhân dân được nâng cao”... Niềm tin và tài năng của ông đã đi vào từng vai diễn trong suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu, với phim ảnh, góp phần để nghệ sĩ Phạm Bằng giành được vị trí xứng đáng trong lòng công chúng. Bởi thế, ông là một trong ít diễn viên luôn nhận được các lời mời từ sân khấu đến đóng phim truyền hình và là một gương mặt không thể thiếu trong thời gian dài của chương trình Gặp nhau cuối tuần.
“Tôi luôn cố gắng để có những vai diễn hấp dẫn, mang lại tiếng cười cho công chúng, không phụ lòng hâm mộ của mọi người. Cuộc đời có nhiều tiếng cười sẽ giúp con người hồ hởi với cuộc sống và hăng say lao động” - Người nghệ sĩ của nhân dân từng tâm sự.
Sau những lúc hóa thân vào các vai diễn, NSƯT Phạm Bằng lại về với các con trong căn nhà nép mình dưới tán cây xanh ở phố Hàng Giầy (Hà Nội), sống những ngày hạnh phúc. Không chỉ hăng say hoạt động nghề nghiệp, ông còn tập thể dục đều đặn, đó là liều thuốc giúp ông khỏe ra và trẻ lại. “Hãy luôn tự cố gắng!” - đó là quan điểm ông yêu thích và thực hiện suốt mấy chục năm qua!
Thấy trước mỗi kỳ xét danh hiệu nghệ sĩ, mọi người lại bàn tán xôn xao, có lần, tôi hỏi ông có mong sẽ được phong danh hiệu NSND không, thì ông cười sảng khoái. Nhưng ông cũng như mọi người đều hiểu rất rõ rằng, với người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ đích thực như ông, danh hiệu không mang tính quyết định niềm vinh quang của nghề. Chỉ có tài năng mới trường tồn vĩnh cửu. Nhất là với khán giả, những vai diễn đi vào lòng người mới quan trọng. Và NSƯT Phạm Bằng đã đi vào sự ngưỡng mộ của công chúng bằng tài năng nghệ thuật, cho nên, trong trái tim của những người yêu mến ông, NSƯT Phạm Bằng luôn luôn là một nghệ sĩ lớn.
Bên linh cữu người nghệ sĩ đàn anh, danh hài Hồng Vân tâm sự: Từ hồi học trong Trường Điện ảnh, chúng tôi đã ngưỡng mộ ông. Đến bây giờ, tôi vẫn nhìn ông bằng con mắt đầy kính trọng của một thế hệ hậu sinh. Ông là người mực thước, chuẩn chỉnh trong công việc. Dù là người thành công và rất nổi tiếng, nhưng ông không bao giờ trịch thượng với thế hệ diễn viên trẻ, mà luôn tận tâm chỉ bảo. Những người như ông bây giờ hiếm lắm...