Trong những ngày gần đây, việc xuất hiện loại dịch vụ taxi Uber tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của dư luận với rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, như: nên hay không nên cho loại hình này hoạt động; loại hình hoạt động này liệu có hợp pháp...
Ra đời từ năm 2009, Uber là phần mềm hoạt động trên điện thoại thông minh dưới dạng ứng dụng, giúp người sử dụng kết nối trực tiếp với những lái xe có nhu cầu cho đi nhờ - một hình thức rất được ưa chuộng và hiện có mặt tại hơn 100 thành phố của 36 quốc gia. Tại Việt Nam, Uber đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 7/2014 và mới đây đã xuất hiện tại Hà Nội. Tuy vậy, loại hình dịch vụ vận tải mới này hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận với rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, như nên hay không nên cho loại hình này hoạt động, loại hình hoạt động này liệu có hợp pháp?
Đang làm việc cho một ngân hàng tại Hà Nội, với tính chất công việc đòi hỏi phải gặp gỡ và giao thiệp với nhiều khách hàng, anh Phạm Quốc Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) lựa chọn sử dụng dịch vụ taxi Uber nhờ sự tiện lợi và chất lượng xe tốt hơn so với dịch vụ taxi thông thường. Anh Nam cho biết, anh đã có dịp vào Sài Gòn và biết đến dịch vụ taxi Uber qua sự giới thiệu của bạn bè... và thấy tiện ích.
Với dịch vụ taxi Uber, người có nhu cầu đi xe đăng ký hành trình trên ứng dụng, hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí cho chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón như loại xe, biển số, tên, hình ảnh và số điện thoại của lái xe. Nếu đồng ý, khách hàng sẽ thanh toán qua thẻ quốc tế. Ưu điểm sử dụng dịch vụ taxi Uber là do không có biển taxi, một chiếc taxi Uber có thể hoạt động tại những tuyến đường cấm taxi. Đặc biệt, chi phí thuê xe ở dịch vụ này thấp hơn nhiều so với taxi thông thường, trong đó cước mở cửa là 5.000 đồng, giá cước cho 1km là 9.600 đồng. Đơn vị cung cấp dịch vụ hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. Tiện ích là thế, tuy nhiên, nhiều chuyên gia đang nghi ngại về tính hợp pháp của taxi Uber do hoạt động kinh doanh vận tải chưa đủ điều kiện pháp lý. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý. Bởi vì, các xe sử dụng trong loại hình taxi Uber là xe dưới 9 chỗ và hoạt động tương tự như hình thức xe taxi. Tuy nhiên, các xe này cũng không có tên, điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong xe không bảng giá cước phí, không đồng hồ tính cước; không phù hiệu, hộp đèn; không logo... là không đáp ứng đúng như quy định tại Điều 6 và Điều 17 Nghị định 86/2014 của Chính phủ ngày 10/9/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với loại hình xe taxi. Chính vì vậy, dưới góc độ pháp lý, loại hình dịch vụ này đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Cũng theo các chuyên gia luật, trong khi sử dụng dịch vụ, nếu khách hàng gặp phải tổn thất hoặc thiệt hại về người hoặc tài sản, sẽ rất khó cho cơ quan chức năng xem xét và bảo vệ quyền lợi vì cơ quan chủ quản là một cơ quan ở nước ngoài.
Ngày 4/12, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội có văn bản kiến nghị ngừng hoạt động taxi Uber vì lo ngại loại hình này cạnh tranh thiếu lành mạnh với taxi thông thường. Trước đó, Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng đã kiến nghị lên các cơ quan ban ngành để xem xét tính pháp lý, tính cạnh tranh và nghĩa vụ thuế của hoạt động taxi này. Theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM: Thứ nhất, đây là hoạt động trái pháp luật, không theo Nghị định 91 và Nghị định 86 của Chính phủ về quản lý vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải. Thứ hai là sẽ trốn thuế.
Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô. Nhưng cũng chỉ sau đó 1 ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Uber nếu có lợi cho dân thì cần được hợp pháp hóa. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết: “Nếu văn bản quy phạm pháp luật chưa có thì phải xây dựng để bổ sung và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Điều này cũng bắt nguồn từ tinh thần Hiến pháp năm 2013 là người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm”. Nếu Uber được xem xét để hợp pháp hóa, được quản lý như mô hình quản lý một loại dịch vụ mới thì người dân có thêm một sự lựa chọn.
Minh Quang - Hồng Trường