Phải xử thật nghiêm

06-05-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần đây, tình hình ô nhiễm tại các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất lại “nóng” lên khi các doanh nghiệp (DN) liên tiếp lén xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Gần đây, tình hình ô nhiễm tại các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất lại “nóng” lên khi các doanh nghiệp (DN) liên tiếp lén xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường sông suối, ao hồ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Ninh Bình vừa phát hiện, bắt quả tang Công ty TNHH MCNEX VINA 100% vốn Hàn Quốc có trụ sở tại KCN Phúc Sơn, phường Ninh Phúc, TP. Ninh Bình chuyên sản xuất mô-đun camera, linh kiện điện thoại... có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Quá trình điều tra, lực lượng cảnh sát môi trường công an tỉnh làm rõ công ty này đã xả nước thải có các thông số gây ô nhiễm môi trường như amoni, Coliform... vượt quá quy chuẩn cho phép từ 8-33 lần ra môi trường trong nhiều tháng qua.

Một cơ sở xả thải ra môi trường vừa bị xử lý.

Trước đó, trưa ngày 13/4, Đội 5 Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp cùng Đồn công an Đa Tốn, Công an huyện Gia Lâm và Viện Công nghệ môi trường đã tiến hành kiểm tra cơ sở giặt tẩy tại xóm 1 xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, phát hiện cơ sở này có hành vi xả nước thải xử lý thô sơ ra sông Hồng. Cơ sở giặt tẩy này có chức năng là nhuộm, hấp và mài quần Jean bằng nhiều loại hóa chất. Tất cả nước thải phát sinh trong quá trình giặt là sẽ được chảy qua 3 bể lọc để vào 1 bể chứa và được máy bơm cao áp hút vào ống xả theo đường ống ngầm chạy dưới thân đê và đổ thẳng ra sông Hồng với 2 ống xả đang hoạt động hết công suất đổ dòng nước màu đen kịt xuống sông. Bởi sự độc hại của nước thải này khiến cả một đoạn sông nước chuyển màu, sủi bọt, xung quanh ống xả chẳng có cây cỏ nào sống sót.

Còn tại Đà Nẵng, ngày 8/4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an TP. Đà Nẵng đã bắt quả tang và lập biên bản Công ty CP Vinatex Quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng (địa chỉ đường số 3 KCN Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đang xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống thu gom nước mưa tại KCN Hòa Khánh trên tuyến đường số 4. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện đường ống nước thải của Công ty CP Vinatex Quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng đang xả nước thải có màu đen và mùi hôi chảy trực tiếp ra hệ thống thu gom nước mưa của KCN Hòa Khánh, ước tính lưu lượng nước thải được đưa ra môi trường khoảng 0,8m3/ngày. Lực lượng cảnh sát môi trường đã lấy mẫu nước thải tại điểm xả ra hệ thống thu gom nước mưa của KCN Hòa Khánh để phân tích, làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời yêu cầu công ty ngưng ngay việc xả thải ra môi trường.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, những tháng đầu năm, Bộ đã xử phạt trên 74 tỷ đồng đối với các vi phạm về môi trường tại các KCN, đình chỉ 37 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh hết tình hình vi phạm của các cơ sở sản xuất. Nhiều DN sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì chi phí vận hành hệ thống xử lí nước thải tập trung (HTXLNTTT) rất tốn kém.

Ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, hiện nay, cả nước có 283 KCN đang hoạt động, nhưng vẫn còn khoảng 30% KCN chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện. Đối với các KCN đã có HTXLNTTT thì hệ thống này cũng vận hành không hết công suất mà chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải, phần còn lại hầu hết được xả thẳng ra môi trường. Trong khi đó, mặc dù chế tài xử phạt trong lĩnh vực môi trường đã được điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm về môi trường có thể bị xử phạt lên tới 2 tỷ đồng, nhưng vẫn có nhiều cơ sở cố tình vi phạm với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp. Vì thế, để giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất, cần phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động để kịp thời phát hiện những sai phạm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% HTXLNTTT của các KCN có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2015/NÐ-CP về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở Tài nguyên - Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại theo quy định; đồng thời, có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý; có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.

Minh Nam

 

 


Ý kiến của bạn