Phải xóa nạn “cò” du lịch

21-09-2017 21:16 | Xã hội

SKĐS - Những tháng gần đây, trên địa bàn TP. Đà Lạt xuất hiện nạn“cò”trong hoạt động du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch gây bức xúc trong du khách và đối với người dân địa phương.

Không thể để một vài “con sâu” làm vấy bẩn môi trường du lịch Đà Lạt và hình ảnh thành phố mộng mơ vốn được đông đảo du khách gần xa yêu mến. Chính quyền và ngành chức năng địa phương đã kiên quyết vào cuộc.

Nhận diện các loại “cò”

Sau khi “cộm” lên một số vụ cò mồi chèo kéo, tranh giành khách du lịch; một số trường hợp chặt chém tại các quán ăn uống, mua hàng lưu niệm, hàng đặc sản, thậm chí đã xảy ra việc chủ cơ sở kinh doanh hành hung khách du lịch… bị dư luận lên tiếng, được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền và các ngành chức năng TP. Đà Lạt đã chính thức vào cuộc. UBND TP. Đà Lạt đã chỉ đạo Công an phối hợp với các ngành chức năng liên quan địa phương rà soát, phân loại, xác minh nắm chắc hoạt động của từng loại “cò” trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

Nếu không dẹp nạn “cò“ du lịch, hình ảnh Đà Lạt sẽ trở nên “xấu xí” hơn trong mắt du khách.

Nếu không dẹp nạn “cò“ du lịch, hình ảnh Đà Lạt sẽ trở nên “xấu xí” hơn trong mắt du khách.

Qua thời gian làm việc, cơ quan chức năng TP. Đà Lạt xác định hoạt động của “cò” du lịch trên địa bàn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đe dọa an toàn của du khách, gây ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch Đà Lạt. Đáng buồn, một số cá nhân trong các cơ sở kinh doanh chỉ vì lợi nhuận trước mắt đã có hành vi nâng giá, ép giá, bán không đúng giá niêm yết… Nhức nhối nhất là nạn cò mồi chèo kéo dẫn đến va chạm, xô xát với khách du lịch... Những hành vi đó đã vô tình làm ảnh hưởng xấu đến “hình ảnh” một Đà Lạt thơ mộng, xinh đẹp; xúc phạm đến phẩm chất và phong cách con người Đà Lạt “Thanh lịch - Hiền hòa - Mến khách”; khiến người Đà Lạt bức xúc, cảm thấy hổ thẹn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt - Võ Ngọc Trình: Nổi lên tình trạng này là các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, nhà hàng, quán ăn, bán hàng đặc sản, dịch vụ cho khách tham quan nhà vườn sử dụng hình thức “tiếp thị” trái pháp luật. Những hoạt động này núp dưới dạng “cò” du lịch để chèo kéo, tranh giành khách, bán ép giá, lừa dối khách hàng để thu tiền phi pháp. Sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh đã gây thiệt hại cho du khách, làm ảnh hưởng đến uy tín, “thương hiệu” ngành du lịch Đà Lạt; gây mất mỹ quan, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Đã có không ít đối tượng “cò” có hành vi rất hung hãn, côn đồ đánh khách du lịch, đánh lái xe, hướng dẫn viên các hãng du lịch lữ hành, nhân viên bảo vệ tại các khu, điểm du lịch… Cụ thể như trường hợp “cò” đặc sản Đào Bá Lộc (24 tuổi, ngụ tại phường 6 - Đà Lạt) đã hành hung anh Nguyễn Như Vĩnh: nhân viên bảo vệ Khu Du lịch Thung lũng Tình Yêu ngày 27/4/2017); Vụ nữ du khách Trần Ngọc Bích (thường trú tại Thị xã Long Khánh, Đồng Nai) bị vợ chồng và nhân viên cơ sở mứt Băng Như (số 270 - đường Phù Đổng Thiên Vương - phường 8 - Đà Lạt) đánh phải nhập viện ngày 31/5/2017. Hay trường hợp quán cơm Tam Nguyên, đường Ankroet - Đà Lạt (do bà Mai Thị Như Loan, 52 tuổi làm chủ) đã từ chối không phục vụ cũng không trả lại tiền khách đã đặt cọc trước đó chỉ vì lý do đoàn khách đến ăn trễ hẹn 01 giờ đồng hồ. Và đầu tháng 8/2017, 02 vị khách nước ngoài sau khi ăn tối ở chợ đêm Đà Lạt đã bị chủ quán buộc phải trả 460.000 đồng. Hai vị khách đã đến trình báo Công an phường 1 Đà Lạt; sau đó, khi công an làm việc thì chủ quán này trả lại 200.000 đồng cho khách do “tính nhầm” (?!)...

Chỉ một vài ví dụ đáng buồn như vậy đã làm méo mó cái nhìn, tình cảm của du khách thập phương đối với ngành du lịch Đà Lạt, gây tổn thương con người Đà Lạt! Đông đảo người dân Đà Lạt rất bức xúc đề nghị chính quyền địa phương cương quyết rút giấy phép kinh doanh, cấm không được kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần…“Cò” bu bám các đoàn khách du lịch mỗi khi đến Đà Lạt.

“Cò” bu bám các đoàn khách du lịch mỗi khi đến Đà Lạt.

Kiên quyết xóa nạn “cò” du lịch

Không thể để tình trạng phức tạp, những hành vi, hình ảnh xấu xí tồn tại trên một thành phố du lịch nổi tiếng của cả nước, niềm tự hào bao đời nay của người dân phố núi; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP. Đà Lạt tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp vào cuộc; kiên quyết xóa cho được tình trạng “cò” du lịch. Đến nay, cơ quan chức năng đã “nhận diện”, điểm mặt các loại “cò” du lịch núp dưới các hình thức: nhân viên “tiếp thị” tại cơ sở kinh doanh trực tiếp làm “cò”; “cò” tự do đón khách dẫn vào cơ sở kinh doanh dịch vụ để hưởng tiền “cò”; “cò” bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền “cò” khi đưa khách vào cơ sở; lái xe, hướng dẫn viên đưa khách đến cơ sở kinh doanh để hưởng tiền môi giới; lái xe taxi, xe ôm đưa khách tới cơ sở kinh doanh để hưởng tiền môi giới…

Qua xác minh, đa số đối tượng này vô công rồi nghề đến từ các địa phương, các tỉnh, thành khác “đầu quân” hay được “tuyển mộ” vào các cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng theo kiểu chụp giựt, chợ búa. Địa bàn hoạt động của số đối tượng “cò” tập trung ở các khu vực có đông khách du lịch: Khu Du lịch thác Prenn, Datanla, Thung lũng Tình Yêu, Vườn hoa Đà Lạt, Dinh III, Chợ đêm Đà Lạt, đường Nguyên Tử Lực, Phù Đổng Thiên Vương... Từ đó, chúng “tung” ra các mánh khóe để mồi chài, níu kéo, dụ dỗ, lừa các đoàn khách bằng mọi cách đưa cho được khách “vào tròng” để thu tiền cò, tiền môi giới…Sử dụng mô tô để “cò” khách tại các bến xe...

Sử dụng mô tô để “cò” khách tại các bến xe...

Để xóa nạn “cò” trong hoạt động du lịch, lãnh đạo thành phố Đà Lạt đã triển khai nhiều hoạt động: tuyên truyền, giáo dục các hộ kinh doanh không được sử dụng “cò” trái pháp luật; tổ chức để các hộ kinh doanh du lịch, dịch vụ, bán hàng phải ký cam kết không sử dụng “cò” bất kỳ hình thức nào; hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ; phải niêm yết giá công khai và phải bán đúng giá…UBND TP. Đà Lạt cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng tiếp thị trái pháp luật, hoạt động dưới dạng “cò”; tình trạng bán ép giá, lừa dối khách hàng trong kinh doanh du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng và bán hàng đặc sản trên địa bàn, không để tái diễn các hoạt động vi phạm pháp luật. Xử lý kiên quyết các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo không đúng sự thật gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; gây rối an ninh trật tự..

UBND TP. Đà Lạt cũng giao cho lực lượng công an điều tra và có các biện pháp ngăn ngừa, xử lý, không để xảy ra tình trạng, hiện tượng hình thành các tổ chức băng nhóm, đường dây tiếp thị, môi giới trái luật. Đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xử lý triệt để tình trạng sử dụng lao động đi “tiếp thị”, môi giới vi phạm pháp luật…

Hiện nay, Đà Lạt đang tập trung xây dựng thành phố trở thành “Đô thị thông minh” (với 9 tiêu chí thông minh bao hàm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó có “môi trường thông minh”). Và việc xóa dứt điểm nạn “cò” trong hoạt động du lịch là việc làm cần thiết nhất và bức xúc nhất…


Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
Ý kiến của bạn