Hà Nội

Phải tuân thủ dùng thuốc trị COPD

06-01-2020 10:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh có nguy cơ tử vong đứng hàng thứ tư trên thế giới. Người mắc bệnh COPD cần tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ xấu có thể xảy ra...

Bệnh COPD có đặc điểm là toàn bộ đường thông khí và nhu mô phổi bị viêm nhiễm thường xuyên, dẫn đến tình trạng xơ hóa đường thở và phá hủy các phế nang của phổi. Người bệnh thường có các triệu chứng như ho, khó thở, tức ngực, thở khò khè, có đờm màu vàng... Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể bị các biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Để điều trị bệnh COPD có hiệu quả cần phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Việc sử dụng thuốc điều trị chỉ là biện pháp hỗ trợ để làm chậm quá trình phát triển bệnh và giúp cho việc sinh hoạt bình thường của người bệnh được dễ chịu hơn.

Thuốc nào dùng trị COPD?

Các thuốc thường dùng bao gồm:

Thuốc chủ vận β2: Thuốc được sử dụng dưới dạng xịt qua đường hô hấp, có khả năng kích thích hoạt động thụ thể β2 trong phế quản, làm giãn lớp cơ trơn giúp cho việc lưu thông khí được dễ dàng, làm giảm cơn khó thở xảy ra thường xuyên. Thuốc có hai loại với tác dụng ngắn như: salbutamol, terbutalin, fenoterol, ipratropium... và tác dụng dài như salmetrol, formoterol... Trong quá trình sử dụng thuốc, có thể sẽ có một số tác dụng không mong muốn như run tay chân, nhức đầu, tim đập nhanh, buồn nôn... Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào như đã nêu thì người bệnh cần kịp thời thông báo cho thầy thuốc điều trị của mình để được tư vấn và xử lý.

Bệnh COPD gây nhiều triệu chứng khó chịu, người bệnh phải dùng thuốc lâu dài theo chỉ định của thầy thuốc.

Bệnh COPD gây nhiều triệu chứng khó chịu, người bệnh phải dùng thuốc lâu dài theo chỉ định của thầy thuốc.

Thuốc kháng cholinergic: Sử dụng dưới dạng xịt vào đường hô hấp, thuốc có tác dụng gây ức chế acetylcholine giúp làm giãn cơ trơn phế quản và giảm tiết chất dịch nhầy để thông khí đường thở. Thuốc thường được dùng để thay thế điều trị cho những người bệnh bị dị ứng, gặp tác dụng phụ với thuốc chủ vận β2 nêu trên. Thuốc cũng có 2 loại gồm tác dụng ngắn như ipratropim... và tác dụng dài như tiotropium... Khi dùng các thuốc này người bệnh có thể bị tăng nguy cơ mất trí nhớ do thuốc ức chế acetylcholine (chất dẫn truyền thần kinh). Vì vậy trong quá trình dùng thuốc nếu người bệnh có các biểu hiện suy giảm nhận thức như hay quên, lẫn... thì nên được tư vấn bởi bác sĩ điều trị để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Thuốc corticosteroid: Thuốc được sử dụng dưới dạng xịt vào đường hô hấp hoặc dạng viên uống, có tác dụng kháng viêm hiệu quả trên đường hô hấp giúp cho các phế quản không bị co hẹp lại, phế nang của phổi mở rộng, giảm các tổn thương ở phổi. Khi sử dụng loại thuốc này nên thận trọng và phải được chỉ định của bác sĩ vì thuốc có thể gây nên các tác dụng phụ, đặc biệt là đối với những người bị viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, đái tháo đường... Các loại thuốc thường được sử dụng là dexamethason, prednison, prednisolon, methylprednisolon, triamchnolon...

Thuốc cromone: Sử dụng dưới dạng xịt vào đường hô hấp, thuốc có tác dụng giúp ngăn chặn sự phóng thích của các chất trung gian gây viêm và dị ứng ở đường hô hấp như histamin, serotonin. Thuốc thuộc nhóm này thường sử dụng là cromolyn natri, nedocromil nattri... Lưu ý loại thuốc này không được sử dụng cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu.

Thuốc kháng sinh: Được sử dụng để ngăn ngừa bội nhiễm đường hô hấp. Thuốc thường được dùng là kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam vì nhóm thuốc này trên thực tế có tác dụng hiệu quả trong các trường hợp bệnh COPD đã được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng và là thuốc được lựa chọn ưu tiên. Thuốc thường được dùng gồm amoxicillin, cefuroxim, erythromycin, azithromycin...

Ngoài ra, một loại thuốc thuộc nhóm xanthin như theophyllin có tác dụng làm giãn phế quản dùng trong điều trị hen suyễn cũng được sử dụng để làm giảm triệu chứng khó thở của bệnh COPD. Lưu ý trong quá trình sử dụng các loại thuốc xịt qua đường hô hấp, bệnh nhân cần dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị; phải sử dụng đều đặn, không được ngừng thuốc hay tự điều chỉnh tăng hoặc giảm liều lượng làm cho việc đánh giá hiệu quả chữa trị bệnh gặp nhiều khó khăn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh COPD là một trong những bệnh nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng. Hiện nay bệnh chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dứt điểm, thuốc sử dụng chỉ có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh lý, giúp ngăn ngừa các đợt cấp tính trên nền của bệnh COPD và các biến chứng xảy ra. Người bệnh cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định điều trị bằng thuốc phù hợp, hiệu quả; không được tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc theo sự mách bảo của người khác. Một vấn đề cần lưu ý trong dự phòng là nên tiêm vắc-xin phòng cúm, phòng bệnh phế cầu khuẩn, dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn hô hấp...


BS. Nguyễn Trâm Anh
Ý kiến của bạn