Theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong các năm gần đây, phá thai vị thành niên chiếm 5% tổng số ca phá thai tại bệnh viện. Thống kê tại 3 cơ sở y tế công lập thuộc Sở Y tế TP.HCM gồm: BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và Trung tâm CSSKSS, trong năm 2011, tỷ lệ nữ ở tuổi vị thành niên có thai đến khám tại đây chiếm 4% trong số các trường hợp có thai. Làm thế nào để có thể giảm thiểu những con số này? Để có câu trả lời chuẩn xác, phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ SKBMTE – Bộ Y tế.
PV: Bà có thể cho biết khái quát những thách thức về sức khỏe sinh sản và thực trạng về phá thai ở tuổi vị thành niên ở nước ta hiệu nay?
PGS.TS. Lưu Thị Hồng: Tổng Điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê cho thấy dân số của Việt Nam là 85,8 triệu người và Việt Nam vẫn là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ. Trong đó, lứa tuổi vị thành niên và thanh niên 10-24 tuổi (VTN - TN) chiếm trên 30% dân số. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, VTN và TN Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối mặt rất nhiều thách thức về sức khỏe sinh sản (quan hệ tình dục trước hôn nhân, không bảo vệ, có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, nhiễm khuẩn đường sinh sản, HIV/AIDS) và các vấn đề khác như: tai nạn thương tích, sức khỏe tâm thần, sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện, giáo dục, việc làm... VTN-TN là lứa tuổi đặc thù - “chưa thành người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con”, luôn muốn khám phá cái mới, lạ và tự khẳng định mình. Vì vậy, khi có tác động từ bên ngoài (sách báo, phim ảnh, bạn bè...), rất dễ có suy nghĩ, hành động thiếu cân nhắc dẫn tới những hậu quả lâu dài về sức khỏe. Ngoài ra, sự phân biệt đối xử của bạn bè, người thân và cộng đồng cũng là những yếu tố có thể dẫn tới các hành vi nguy cơ ở lứa tuổi này.
Đến hiện tại, Việt Nam chưa có số liệu đáng tin cậy nào ở cấp độ quốc gia về tình hình phá thai ở VTN - TN. Năm 2003 và 2008, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức quốc tế khác, Bộ Y tế đã tiến hành Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY 1 và SAVY 2). Kết quả nghiên cứu SAVY1 cho thấy trong nhóm nữ TN chưa chồng đã có quan hệ tình dục, chỉ có 3/33 (9,1%) nữ TN cho biết đã từng phá thai. Ở SAVY 2, chỉ 1/58 (1,7%) nữ TN chưa chồng đã có quan hệ tình dục đã từng phá thai.
Từ 2010, Bộ Y tế (Vụ SKBMTE) đã đưa các chỉ số có thai và phá thai VTN vào hệ thống báo cáo của Trung tâm CSSKSS 63 tỉnh/TP (tỷ lệ VTN có thai/tổng số có thai và tỷ lệ phá thai VTN trên tổng số phá thai). Theo số liệu năm 2012, tổng số VTN có thai trên toàn quốc là 78.648 trên tổng số có thai là 2.321.773; Tỷ lệ VTN có thai chung trên toàn quốc là 3.3%; Tổng số phá thai toàn quốc là 262.884, trong đó phá thai ở VTN là 7.722 - chiếm 2.3%. Năm 2013: tổng số VTN có thai là 67.292 trên tổng số có thai là 21.104.457 chiếm tỷ lệ 3.1%; Tổng số phá thai toàn quốc 334.143, trong đó VTN là 8.140 - chiếm tỷ lệ 2.2%
Theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong các năm gần đây, phá thai VTN chiếm 5% tổng số ca phá thai tại bệnh viện. Thống kê tại 3 cơ sở y tế công lập thuộc Sở Y tế TP.HCM gồm: BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và Trung tâm CSSKSS, trong năm 2011, tỷ lệ nữ ở tuổi VTN có thai đến khám tại đây chiếm 4% trong số các trường hợp có thai. Trong số 90.649 ca sinh thì có 2.434 sản phụ tuổi VTN; Trong số 60.352 ca phá thai có 3.471 trường hợp nữ tuổi VTN (chiếm 5,81% tổng số ca phá thai). Các số liệu báo cáo này cho thấy ở khu vực y tế nhà nước, phá thai ở tuổi VTN không chiếm tỷ lệ cao trong tổng số phá thai và không có xu hướng gia tăng.
Tư vấn cho trẻ tại phòng khám tư vấn SKSS cho trẻ vị thành niên tại Hà Nội.
PV: Chúng ta đã có những giải pháp gì để giảm phá thai ở VTN – TN, thưa bà?
PGS.TS. Lưu Thị Hồng: Để giải quyết vấn đề phá thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn ở VTN - TN cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội từ việc quan tâm đầu tư của Nhà nước cho đến việc xây dựng chính sách; Triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi về SKSS của các cấp lãnh đạo và toàn thể cộng đồng (đặc biệt là bố mẹ, thầy cô giáo và bản thân VTN - TN); Tổ chức giáo dục giới tính/SKSS, giáo dục kỹ năng sống trong hệ thống trường học; Tổ chức các câu lạc bộ SKSS ở cộng đồng và Góc thân thiện trong trường học, khu công nghiệp thông qua hệ thống Đoàn thanh niên và hệ thống giáo dục các cấp; Xây dựng mạng lưới và tổ chức việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật đặc thù cho các em (Dịch vụ sức khỏe thân thiện với VTN và TN: Đảm bảo riêng tư, bí mật, thân thiện, không phán xét...) và theo dõi, đánh giá các can thiệp. Ngoài ra, cũng cần chú ý nâng cao khả năng tiếp cận thông qua mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe thân thiện và chất lượng của dịch vụ cho nhóm tuổi đặc thù này. Trong đó, một số giải pháp chính cần được tập trung ưu tiên gồm:
Triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông thay đổi hành vi để các cấp lãnh đạo, cộng đồng, người dân, đặc biệt là bố mẹ và thầy/cô giáo cũng như bản thân VTN – TN hiểu và biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, hạn chế các hành vi nguy cơ như: Quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình dục không an toàn, không bảo vệ; Sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện (rượu bia, thuốc lá, ma túy); Tai nạn thương tích...
Tăng cường đáp ứng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của mọi đối tượng, không chỉ có các cặp vợ chồng mà cả những người độc thân lẫn đối tượng là VTN/TN. Đa dạng hóa các kênh phân phối phương tiện tránh thai (nhà nước, tư nhân, tiếp thị xã hội, kênh phân phối dựa vào công đồng); Tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ để làm giảm tỷ lệ thất bại của các biện pháp tránh thai.
Mở rộng mạng lưới cung cấp Dịch vụ sức khỏe thân thiện với VTN/TN (đảm bảo thân thiện, riêng tư, bí mật, không phán xét). Kết hợp các hình thức truyền thông tư vấn trong cộng đồng theo nhóm, các hình thức truyền thông, tư vấn trực tiếp cho cá nhân qua điện thoại, qua mạng internet… với việc tổ chức cung cấp dịch vụ thân thiện.
Phát huy vai trò tham gia của các bộ/ngành/đoàn thể (Giáo dục Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…), các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc nâng cao nhận thức, hành vi chăm sóc SKSS của VTN, TN; Đưa giáo dục giới tính, SKSS và kỹ năng sống vào chương trình giáo dục chính khóa trong nhà trường.
Đẩy mạnh việc thực hiện các nghiên cứu, trong đó chú trọng nghiên cứu điều tra cơ bản để phục vụ việc đề xuất xây dựng chính sách về CSSKSS cho VTN - TN, nghiên cứu tác nghiệp nhằm điều chỉnh, cải thiện can thiệp SKSS của VTN - TN.
PV: Những thuận lợi và khó khăn cơ bản khi thực hiện chương trình CSSKSS cho VTN là gì, thưa bà?
PGS.TS. Lưu Thị Hồng: Khi thực hiện chương trình CSSKSS cho VTN, chúng tôi được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với VTN và TN cụ thể hóa bằng các văn bản trong đó có “Kế hoạch tổng thể quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe VTN và TN Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2020”.
Bên cạnh đó, còn có sự quan tâm của xã hội và sự tham gia của các bộ, ban ngành Đoàn thể, các tổ chức quốc tế vào các hoạt động CSSKSS đối với VTN – TN.
Ngoài ra, còn có hệ thống cung cấp dịch vụ y tế rộng khắp trên cả nước đáp ứng nhu cầu CSSKSS cho nhân dân, trong đó có VTN – TN. Riêng với nhóm đối tượng VTN- TN, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn cung cấp dịch vụ sức khỏe thân thiện với VTN – TN.
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc trong công tác này cần được giải quyết trong thời gian tới:
Nguồn ngân sách dành cho công tác CSSKSS cho VTN – TN còn hạn chế. Chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng các hoạt động CSSKSS cho VTN – TN.
Việc triển khai các hoạt động Truyền thông, cung cấp dịch vụ thân thiện với VTN – TN chưa bao phủ, chưa đảm bảo tính tiếp cận với tất cả đối tượng, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp tập trung nhiều TN.
Đội ngũ cán bộ y tế tham gia cung cấp dịch vụ cho VTN – TN còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực.
Bản thân VTN – TN cũng chưa có đầy đủ kiến thức và các kỹ năng về SKSS.
PV: Bà có thông điệp gì cho các em gái VTN-TN về CSSKSS?
PGS.TS. Lưu Thị Hồng: Tốt nhất là các em tránh quan hệ tình dục sớm. Nếu có thì cần phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tránh mang thai ngoài ý muốn.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Thúy Hạnh (thực hiện)